Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu

VĂN VIỆT

·       Diện tích dâu tằm Lâm Đồng chiếm 70% diện tích dâu tằm cả nước


Ngày 16/10, tại thành phố Bảo Lộc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn “Phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu”.

Tham dự có bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng; đại diện Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng; hơn 140 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tiêu biểu trong tỉnh Lâm Đồng vá các tỉnh lân cận.


Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay cả nước có 32 tỉnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích hơn 11.870ha, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm tỷ lệ 73%. Năng suất đạt 35- 40 tấn lá/ha. Sản lượng kén năm 2019 đạt 11.855 tấn, tăng gần 43% so với năm 2018. Trong đó sản lượng kén tằm Lâm Đồng chiếm gần 85,5% so với cả nước.

Cơ hội Việt Nam có các giống dâu lai năng suất cao, công nghệ kỹ thuật nuôi tằm con tập trung, công nghệ ươm tơ tự động; nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng. Nhưng thách thức Việt Nam là chưa chủ động nguồn giống tằm lưỡng hệ kén trắng năng suất cao, đồng thời vẫn phải nhập tơ để sản xuất gia công…

Các nhóm giải pháp đặt ra để phát triển chăn nuôi tằm bền vững gồm tập trung nghiên cứu lai tạo các giống tằm cao sản thế hệ mới; phát triển chuỗi liên kết; tăng cường xúc tiến thị trường, khuyến nông, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ  cho người trồng dâu nuôi tằm…


Riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 15.000 hộ nông dân đang sản xuất 8.700ha diện tích dâu tằm, chiếm 70% diện tích dâu cả nước. Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 32 cơ sở ươm tơ, công suất chế biến bình quân khoảng 1 tấn kén/cơ sở/ngày. Trong đó có 2 cơ sở của Nhật Bản. Công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa của Lâm Đồng đã được đầu tư rất cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao với trên 100 dãy ươm tơ tự động, 400 mối/dãy. Chất lượng tơ Lâm Đồng đã được nâng lên với 80% sản lượng tơ đạt cấp cao và 20% tơ thủ công. Hệ thống máy móc thiết bị ươm tơ cơ bản đáp ứng yêu cầu chất lượng thị trường nội tỉnh và xuất khẩu…

Giải pháp trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục hình thành các vùng nguyên liệu gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dâu tằm tơ cả nước…

Diễn đàn đã trao đổi các giải pháp mở rộng tiêu thụ các sản phẩm tơ tằm Việt Nam; liên kết chuỗi trong sản xuất dâu, tằm, chế biến tơ xuất khẩu; mô hình trồng dâu nuôi tằm hiệu quả, bền vững; kỹ thuật nuôi và biện pháp phòng trừ một số bệnh hại trên tằm giống mới…


Đồng thời giành nhiều thời gian cho các chuyên gia giải đáp câu hỏi của người sản xuất, kinh doanh, chế biến dâu tằm tơ về các giải pháp quy hoạch kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn, chủ động liên kết tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt lưu ý việc mua tằm con cần liên hệ cơ quan nghiên cứu khoa học, hiệp hội dâu tằm tơ, đơn vị khuyến nông..để được tư vấn, hướng dẫn các cơ sở cung cấp nguồn giống uy tín, đạt tiêu chuẩn chất lượng…   

Kết luận Diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Hạ Thúy Hạnh trong thời gian tới, ngành dâu tằm tơ cả nước cần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, bền vững theo hướng xuất khẩu; đề xuất các bộ, ngành Trung ương kết nối nhập khẩu chính ngạch nguồn giống tằm từ Trung Quốc và tăng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm dâu tằm tơ  từ Viêt Nam…  

THÁNG 10/2020