Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Để phát triển hơn nữa nông nghiệp công nghệ cao

VĂN VIỆT

Bên cạnh những thành tựu đáng kể, nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng đang cần nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại để phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và xu thế cạnh tranh theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến nay, Lâm Đồng vẫn là địa phương dẫn đầu trong cả nước và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tính đến thời điểm đầu tháng 10/2020 với 300.000ha diện tích canh tác ổn định, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển khoảng 60.200ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, tương ứng với tỷ lệ hơn 20%. Trên 4 vùng sinh thái khác nhau, Lâm Đồng quy hoạch đa dạng các loại cây trồng phù hợp như: vùng lúa chất lượng lượng cao ở Đạ Tẻh, Cát Tiên; vùng sầu riêng và các loại cây ăn trái ở Đạ Huoai; vùng cà phê, chè ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà; vùng rau, hoa Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng…Hiện có khoảng 1.300ha rau được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, 80.000ha cà phê được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất bền vững; gần 20 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 4 sản phẩm rau, hoa cà phê Arabica và du lịch canh nông ở Lâm Đồng… Giá trị đạt được từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng hiện đạt bình quân 400 triệu đồng/ha/năm. Riêng những diện tích ứng dụng đồng bộ công nghệ internet kết nối vạn vật đạt trung bình 3 tỷ đồng/ha/năm. Ước đến cuối năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt đến 40% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng…

Trong năm qua,  toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Cụ thể các mức kinh phí hỗ trợ như: tỷ lệ 100%  tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất; tỷ lệ 40% nâng cao năng lực sản xuất vườn ươm; 300 triệu đồng/mô hình mới…Tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Lâm Đồng đã xác định danh mục 31 dự án sản xuất cây giống chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến nông sản trên địa bàn. Đồng thời tập trung xây dựng  19 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 9 khu quy hoạch công nghệ cao để kết nối các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng kể nêu trên, nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng đang gặp nhiều hạn chế về huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp 4.0. Nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp, nhưng nhìn chung mức độ vẫn còn thấp. Trong khi đó các ngân hàng thương mại vẫn chưa triển khai cho vay vốn thế chấp nhà kính, nhà lưới và các thiết bị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảng cơ sở hạ tầng còn thấp đề thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối internet vạn vật, nên chỉ đầu tư công nghệ cao với quy mô vườn ươm, mô hình. Ngoài ra, công tác nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật cao chưa theo kịp nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp, người dân. Thực tế có đến 90% giống rau, hoa nhập khẩu từ nước ngoài, dẫn đến vốn đầu tư sản xuất cao, tỷ suất lợi nhuận chưa tương xứng…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, định hướng chung để phát triển hơn nữa nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn là: “ Tiếp tục cơ cấu lại các vùng sản xuất theo trục sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm đặc trưng của địa phương với mô hình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời tăng cường kết nối giữa các vùng sản xuất với các Trung tâm Sau thu hoạch, nhà máy chế biến, chợ đầu mối và kênh phân phối để mở rộng thi trường…” Theo đó, Lâm Đồng với 3 nhóm giải pháp tập trung gồm: xây dựng các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghiệp nông nghiệp, Trung tâm sau thu hoạch và Trung tâm giao dịch hoa để thu hút doanh nghiệp đầu tư hình thành những cụm sản xuất đạt chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trên cơ sở lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng quy hoạch; thu hút các nguồn vốn ODA, vốn FDI để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Mở rộng hình thức hợp tác công tư; chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt đón đầu, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ nano, công nghệ thủy canh, sau thu hoạch…


Qua đây, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đề xuất với các bộ, ngành Trung ương có chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu các thiết bị, vật tư chuyên dùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong nước. Trước mắt cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng trong nước nói chung, trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng./.

THÁNG 10/2020