Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Phát triển dâu tằm tơ bền vững- chủ động từ nguồn giống

VĂN VIỆT


Tuy trải qua thăng trầm với những thời điểm gặp nhiều khó khăn, nhưng trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì cây dâu, con tằm vẫn luôn có vị trí đáng kể trong định hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Khôi phục 10.000ha dâu tằm

Thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng ghi nhận ở giai đoạn năm 1986- 1995 với tổng diện tích dâu tằm 10.000ha, chiếm trên 50% diện tích dâu tằm cả nước. Hàng loạt nhà máy ươm tơ, dệt lụa lần lượt xây dựng và đi vào hoạt động, thu hút việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên bước vào những năm 2000, giá tơ lụa của thị trường thế giới giảm từ 40- 50%, hệ quả ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng chịu nhiều tác động suy giảm diện tích dâu từ 10.000ha xuống còn 2.900ha.

Từ năm 2011 đến nay, giá tơ lụa thế giới có xu hướng gia tăng trở lại, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng từng bước khôi phục và phát triển. Trong đó năm 2019, Lâm Đồng phục hồi diện tích 8.277ha dâu, đạt tổng sản lượng 160.000 tấn lá dâu, 10.800 tấn kén, 1.500 tấn sợi tơ, gần 5,2 triệu mét vuông lụa các loại.

Riêng tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 15.000 hộ nông dân sản xuất trên tổng diện tích dâu khoảng 8.700ha, chiếm 70% diện tích dâu cả nước. Các giống dâu mới năng suất, chất lượng cao đã và đang được nông dân Lâm Đồng chuyển đổi trồng mới hiệu quả như: TBL-05, VA-201, S7-CB, TBL- 03…Về nguồn trứng tằm lưỡng hệ mỗi năm Lâm Đồng nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 270.000 hộp, tương ứng giá trị khoảng 60 tỷ đồng. Với 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung ở huyện Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc, công suất bình quân mỗi cơ sở đạt 100 hộp/tháng vào mùa nắng và 200 hộp/tháng vào mùa mưa. Toàn tỉnh Lâm Đồng có 150 cơn sở thu mua kén tằm, cung cấp cho 32 cơ sở ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn, đạt công suất chế biến bình quân 1 tấn kén/cơ sở/ngày.

Mục tiêu phát triển ngành dâu tằm tơ bền vững đến năm 2023, diện tích dâu tằm toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 10.000ha, trong đó gồm 8.500ha trồng giống dâu mới, dâu lai, đạt tổng sản lượng lá dâu khoảng 210.000 tấn, tương ứng với tổng sản lượng kém tằm 14.500 tấn.  Như vậy trong 3 năm tới- mỗi năm, Lâm Đồng trồng mới khoảng 700ha dâu tằm, đạt năng suất bình quân 22- 23 tấn/ha. Tương ứng mỗi năm phải nhập khẩu trên 200.000 hộp trứng giống tằm từ Nhật Bản, Trung Quốc đưa vào sản xuất, tương ứng với tỷ lệ 70%; còn lại tỷ lệ 30% nguồn giống trứng tằm sản xuất trong nước, năng suất kén bình quân 40- 45kg/hộp.

 

30% nguồn trứng giống tằm sản xuất trong nước


Tuy nhiên theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng: “Toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10 tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc về cung ứng cho các cơ sở nuôi tằm con tâp trung trên địa bàn. Đây là khâu then chốt, nhưng hiện nay cũng là khâu yếu nhất, thiếu bền vững nhất trong toàn bộ khâu sản xuất của ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng…”Thực tế việc nhập khẩu trứng giống tằm lưỡng hệ từ Trung Quốc chủ yếu vẫn theo con đường tiểu ngạch, chưa được kiểm soát chất lượng và nguồn gốc, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Trong khi đó nhiều cơ sở vẫn chưa trang bị hệ thống kho lạnh bảo quản đạt yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến chất lượng trứng giống tằm nhiều khi không ổn định.

Bởi vậy để Lâm Đồng phát triển dâu tằm tơ theo hướng bền vững, trước hết kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần làm việc với các cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc để cùng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Lâm Đồng được nhập khẩu chính ngạch nguồn giống trứng tằm. Đồng thời liên hệ các nguồn cung cấp trứng giống tằm nhập khẩu đạt yêu cầu chất lượng từ các nước khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu Trung Quốc như hiện nay. 

Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu 30% trứng tằm lưỡng hệ sản xuất trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm giao các đơn vị trực thuộc tập trung đầu tư nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất, từng bước chủ động tại chỗ nguồn giống đảm bảo chất lượng, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu đầu ra.

Khi chủ động nguồn trứng giống tằm đảm bảo chất lượng để ổn định vùng nguyên liệu sản xuất, Lâm Đồng chọn xây dựng khoảng 10 mô hình cơ giới hóa, tự động hóa trồng dâu nuôi tằm đạt hiệu quả kinh tế cao, sau đó tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp theo, Lâm Đồng thành lập và đưa vào hoạt động 3 mô hình liên kết tổ chức sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa liên huyện. Riêng các địa bàn Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà khuyến khích đầu tư phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa gắn với mô hình phát triển du lịch canh nông, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra Lâm Đồng tiếp tục huy động mọi nguồn lực của nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm tơ lụa đến với thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó mở rộng kết nối giao thương hợp tác cùng phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ thế mạnh của khu vực Nam Tây Nguyên này. 

*THANG 10/2020