Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu ở Lâm Hà

 VĂN VIỆT


Đồng thời với các giải pháp quy hoạch phù hợp với thế mạnh nguồn nguyên liệu địa phương, huyện Lâm Hà đã và đang triển khai những giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư phát triển công nghệ chế biến, nâng cao giá trị các loại nông sản trên địa bàn.

Trong tháng 10/2020, phóng viên đã tiếp xúc nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai các dự án phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên lịệu trên địa bàn. Anh Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1987), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca cho biết, công ty này đang tiếp tục hoàn tất các quy trình thủ tục pháp lý để triển khai dự án liên kết với 20 hộ nông dân (chiếm phần lớn ở huyện Lâm Hà và một phần ở địa bàn huyện Đức Trọng) để thâm canh, cải tạo, nâng cao năng suất trên 20ha vùng nguyên liệu mắc ca từ 7 năm tuổi trở lên. Đây là dự án thuộc chương trình phát triển nông thôn mới Trung ương, triển khai trong 2 năm tới với nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách chiếm tỷ lệ 30%; TNHH Hoàng Anh Maca đối ứng tỷ lệ 70%. “Do áp dụng chưa đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác nên diện tích 20ha mắc ca vùng nguyên liệu nơi đây đat năng suất và chất lượng không đồng đều. Mục tiêu của dự án trong 2 năm tới sẽ tăng năng suất thu hoạch lên 4- 5 tấn/ha mắc ca chuyên canh và 2- 3 tấn/ha mắc ca xen canh…”, Giám đốc Nguyễn Hoàng Anh cho biết.


Để được tham gia với vai trò chủ thể dự án 20ha mắc ca, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca hội đủ 1 trong những tiêu chí là đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến các dòng sản phẩm mắc ca đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, được khách hàng trong nước và xuất khẩu tin dùng ngày càng nhiều. Năng lực chế biến của nhà máy này lên đến 120 tấn mắc ca/năm, trong khi việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch mắc ca trên 20ha dự án đạt năng suất “lý tưởng” nhất chỉ mới khoảng 100ha.

Dư kiến mùa mắc ca trong năm tới với các biện pháp kỹ thuật thâm canh mới, hộ nông dân ở huyện Lâm Hà liên kết với Công ty TNHH Hoàng Anh Macca thu hoạch 4- 5 tấn/ha chuyên canh, nhân với giá bao tiêu ấn định trước 100.000đồng/kg, thành doanh thu 400- 500 triệu đồng/ha. Hạch toán trừ hết thảy khoảng 30% chi phí đầu tư, còn lại lợi nhuận từ 280 triệu đồng đến 350 triệu đồng/ha…

Với Doanh nghiệp Tám Trình ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà từ nhiều năm qua đã bố trí mặt bằng hơn 5.000m2 để lắp đặt dây chuyền máy móc phân loại, sơ chế, chế biến cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ của hàng trăm hộ nông dân liên kết trên địa bàn, mỗi hộ sản xuất từ 1- 3ha. Giá thu mua cà phê của Doanh nghiệp Tám Trình đối với hộ nông dân liên kết thường cao hơn 10% trở lên so với giá thị trường. Công suất của dây chuyền máy móc chế biến cà phê ở đây đạt trung bình 12 tấn/giờ phân loại cà phê khô; 4 tấn/giờ chế biến cà phê ướt; 50kg cà phê bột/giờ với thương hiệu Golden Bird…

Hơn mười năm trước đây, phóng viên đã về vùng nông nghiệp xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà ghi nhận kết quả ban đầu phát triển vùng nguyên liệu chè ô long của Doanh nghiệp Long Đỉnh. Cơ chế lúc này là hộ nông dân được hỗ trợ cây giống chè với tỷ lệ 40% nguồn vốn sách huyện Lâm Hà và 60% nguồn vốn của Doanh nghiệp Long Đỉnh. Cũng tại xã Phúc Thọ lúc này, Doanh nghiệp Long Đỉnh đã xây dựng hệ thống hạ tầng nhà xưởng để lắp đặt máy móc chế biến các sản phẩm chè ô long xuất khẩu trên cơ sở nguồn nguyên liệu bao tiêu của nông dân. Đến nay hơn mười năm sau, thương hiệu chè ô long Long Đỉnh ở Phúc Thọ, Lâm Hà đã khẳng định vị thế, giá trị trên các khu vực thị trường lớn trong nước và xuất khẩu. Vùng nguyên chè ô long cung cấp cho nhà máy chế biến Long Đỉnh ở huyện Lâm Hà hiện đang mở rộng khoảng 50ha với 45 nông hộ sản xuất theo quy trình hữu cơ, thu nhập ổn định trên dưới 300 triệu đồng/ha/năm…


Thống kê đến nay, toàn huyện Lâm Hà đang phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gồm: 11.345ha phê (trong đó tái canh 7.385ha), 1.344ha mắc ca, 291ha chè, 310ha rau và hoa, 955ha dâu tằm giống mới… “Đây là kết quả huyện Lâm Hà đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch những diện tích cây lương thực, cây đậu thực phẩm.. có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế gắn với công nghiệp chế biến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập của dân cư nông thôn trên địa bàn… ”, theo đánh giá của UBND huyện Lâm Hà./.

THANG 10/2020