Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Khi nông dân được chuyển giao công nghệ mới

VĂN VIỆT


Nhiều loại cây trồng chủ lực được chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ đến nay ở Lâm Đồng đã từng bước phát huy hiệu quả tích cực về chuyển đổi cơ cấu, quy trình thâm canh, tăng năng suất, chất lượng thu hoạch gắn với chế biến và tiêu thụ để gia tăng giá trị thu nhập cho kinh tế hộ gia đình nông thôn.

Theo đó, với mô hình thâm canh cây ca cao trồng xen dưới tán vườn điều, huyện Đam Rông đã triển khai đạt tổng diện tích 40ha hướng đến vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương. Qua mô hình, hơn 750 hộ nông dân được chuyển giao quy trình kỹ thuật mới về sản xuất, thu hoạch; 10 kỹ thuật viên được đào tạo, tập huấn nâng cao. Và cũng tại huyện Đam Rông, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau các loại (xà lách, mướp đắng, cà tím, dưa leo…) theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (quy mô 500m2/mô hình) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đạ R’Sal và Đạ K’Nàng đã lựa chọn, đào tạo 20 kỹ thuật viên cơ sở.

Ở huyện Lâm Hà và huyện Đạ Tẻh, mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm đạt các kết quả đáng kể như: năng suất lá dâu 25-29,5 tấn/ha/năm, năng suất kén từ 40-45 kg/hộp, tỷ lệ trứng tằm nở đạt trên 96%... Đặc biệt đã xây dựng mô hình liên kết trồng trên 80 ha diện tích cây dâu, nuôi tằm, tiêu thụ sản phẩm kén ổn định; mô hình nuôi 10.000 hộp trứng tằm giống; đào tạo 28 kỹ thuật viên và tập huấn cho 600 lượt nông dân nắm vững và ứng dụng thành thạo các quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm mới.

 Trên đối tượng cây chè, Dự án “Xây dựng vùng chè năng suất cao, chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu” trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã tiếp nhận, làm chủ quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm cành, thâm canh 3 giống chè Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Tứ Quý theo quy trình kỹ thuật mới,  đạt tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 50 ha; đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn chuyển giao  cho 300 lượt người dân quanh vùng.


Với đối tượng cây cà phê ở địa bàn huyện Lâm Hà, Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như: khu vườn 50.000 cây cà phê vối nhân chồi giống; 1.100 cây sản xuất hạt lai đa dòng; 4.500 cây sản xuất hạt giống cà phê chè mới; 10ha vườn cà phê ghép cải tạo đạt 3,5 tấn nhân/ha/năm... Ngoài ra Dự án đã chuyển giao hàng chục quy trình kỹ thuật về canh tác cà phê trên đất dốc, trồng mới và chăm sóc giai đoạn kiến thiết cơ bản, ghép cải tạo vườn, tạo hình, tỉa cành, tưới tiết kiệm nước; ủ vỏ cà phê làm phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, thu hái, sơ chế và bảo quản cà phê sau thu hoạch.... Qua đó đào tạo 20 kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức 10 buổi tập huấn, tham quan mô hình cho 400 nông dân. Đến nay, thu nhập của hộ dân trồng cà phê trong Dự án tăng hơn 10%, chất lượng cà phê cải thiện 10-15%. Các hộ tham gia cũng được hỗ trợ hoàn chỉnh quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn cấp chứng nhận VietGAP, 4C của các tổ chức trong và ngoài nước…

Tính chung giai đoạn năm 2018 – 2020, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai đến nay đã xây dựng 11 mô hình VietGAP; hình thành chuỗi liên kết cho 4 loại sản phẩm cà chua, ớt ngọt, dâu tây và xà lách; xây dựng Trung tâm sau thu hoạch, trong đó đầu tư dây chuyền hiện đại về sơ chế, chế biến rau, củ, quả, đóng gói theo quy trình HACCP. Và Dự án còn đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt nông dân…

Thống kê giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt triển khai 9 dự án chuyển giao khoa học và công nghệ cấp tỉnh (gần 7,9 tỷ đồng), đề xuất đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và triển khai 14 dự án cấp nhà nước (hơn 34,6 tỷ đồng). Kết quả các dự án đã triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của ngành chức năng Lâm Đồng: “Trong 10 năm qua, Lâm Đồng có những bước tiến mạnh mẽ về hiệu quả ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của người nông dân. Qua đó gíp phần thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương”…/.

THÁNG 10/2020