Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Khoai tây trồng quanh năm- nhu cầu cần thiết

VĂN VIỆT


Nhằm từng bước thay thế các giống khoai tây đang có hiện tượng thoái hóa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khoai tây Trung Quốc gian lận khoai tây Đà Lạt trên thị trường, vùng nông nghiệp thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận đang có nhu cầu hết sức cần thiết nguồn giống khoai tây
sản xuất quanh năm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), diện tích sản xuất khoai tây trên địa bàn Lâm Đồng trong những năm gần đây dao động từ khoảng 2.000-2.500ha, năng suất trung bình đạt từ 17-18tấn/ha. Là vùng sản xuất khoai tây quan trọng thứ 2 của cả nước với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi (sau vùng đồng bằng sông Hồng), nhưng thời gian gần đây, phần lớn diện tích khoai tây tại các địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận chủ yếu sản xuất trong điều kiện mùa khô, tập trung từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Còn lại mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, phần lớn diện tích trồng khoai tây phải thu hẹp do áp lực các loại bệnh hại xuất hiện khá nhiều, nhất là bệnh mốc sương (Phythoprora infestan) với mức độ gây hại chiếm tỷ lệ  rất cao. Trong khi đó những nguồn giống khoai tây năng suất, chất lượng cao và có khả năng kháng bệnh hiệu quả để có thể tổ chức sản xuất cả mùa mưa và mùa khô trong năm đã trở thành nhu cầu cần thiết đối với nông dân.

Trước thực trạng này, từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2020, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa với việc thực hiện đề tài "Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao chất lượng tốt, chống chịu bệnh mốc sương và có thể canh tác quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận", Trung tâm đã chọn tạo ra giống khoai tây TK15.80 kháng bệnh mốc sương (Phythopthora infestan) mùa mưa, có thể tổ chức sản xuất quanh năm được tại Đà Lạt và các vùng phụ cận, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử tại vùng Tây Nguyên...

Đánh giá cho thấy: Giống khoai tây TK15.80 là sản phẩm của đề tài được Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa lai tạo, chọn từ tổ hợp lai khoai hồng năm 2016. Kết quả trồng thử nghiệm tại các vùng sinh thái Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương cho thấy giống có thời gian sinh trưởng khoảng 95-100 ngày, dạng cây nửa đứng, kháng tốt với bệnh mốc sương (Phythopthora infestan). Dạng củ hình oval ngắn, mắt nông, vỏ củ hồng đậm, ruột củ màu vàng đậm, số lượng trung bình từ 6-8 củ/cây. Giống có tiềm năng năng suất cao, trung bình đạt từ 25-27tấn/ha, cao hơn giống đối chứng từ 15-18%. Giống có chất lượng tốt, hàm lượng chất khô trung bình đạt 19,3%, hàm lượng đường khử đạt 0,50-0,52%...

Qua khảo sát nhu cầu, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa đề xuất Dự án sản xuất trên diện rộng giống khoai tây TK15.80 với 450-500ha diện tích khoai tây giống, 150 ha diện tích khoai tây thương phẩm tại thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận. Qua đó tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho 20 khuyến nông viên, cán bộ kỹ thuật của các cơ sở sản xuất giống và 300 lượt nông hộ sản xuất khoai tây quanh vùng. Sản phẩm khoai tây thương phẩm sẽ được một số doanh nghiệp đang ổn định thị trường tiêu thụ rộng lớn như HTX Nông nghiệp Tân Tiến, Công ty TNHH Phong Thúy… ký kết hợp đồng bao tiêu để cung cấp cho hệ thống siêu thị. Và các sản phẩm cây giống khoai tây TK15.80 ra rễ sau cấy mô, củ giống khoai tây cấp xác nhận sẽ được cung cấp đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu cần thiết cho một số HTX, doanh nghiệp và người dân sản xuất khoai tây trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…

Cụ thể Dự án đề xuất ứng dụng kết quả nghiên cứu sản xuất giống khoai tây TK15.80 trong thời gian 30 tháng tại khu vực sản xuất thuộc các xã Xuân Thọ, Đà Lạt; Tân Hội, Đức Trọng và Lạc Xuân, huyện Đơn Dương; Công ty TNHH Phong Thúy, Đức Trọng…Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất để triển khai Dự án trồng khoai tây quanh năm ở đây gồm: Phòng thí nghiệm 800m2, hệ thống thiết bị phục vụ nuôi cấy mô (tủ cấy vô trùng, nồi hấp tiệt trùng, tủ đựng hóa chất, cân phân tích, máy đọ pH, giàn nuôi cây…), máy làm đất, lên luống, thu hoach, hệ thống tưới nước tự động, 2ha nhà màng và kho lạnh, kho tán xạ giữ giống của doanh nghiệp và HTX tham gia…


Thạc sĩ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa chia sẻ: “Khoai tây Đà Lạt đã trở thành thương hiệu mạnh và có giá bán cao hơn so với các loại khoai tây khác trên cùng thời điểm thị trường. Hàng năm, tại Đà Lạt và các vùng phụ cận sản xuất khoảng 1.500ha diện tích khoai tây ăn tươi, sản lượng đạt khoảng 27.000 tấn, tập trung vào mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Với lượng khoai tây này mới chỉ đáp ứng được lượng khoai tây rất nhỏ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Và bởi vậy, kết quả lai tạo giống khoai tây TH15.80 sản xuất quanh năm cả mùa khô và mùa mưa tại Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ góp phần tích cực trong việc chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng đạt giá trị gia tăng ở địa phương…”

thánhg 10/2020