Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Tăng đàn, tái đàn lợn- cần đồng bộ nhiều giải pháp

VĂN VIỆT
Mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu tăng 10% đàn lợn so với quý 2/2020. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ này tiếp tục tăng 4% so với năm 2021, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 16- 17% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra phần lớn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh, thành phố Bảo Lộc từ ngày 21/6/2019 đến ngày 22/3/2020,  buộc phải tiêu hủy 70.067 con, chiếm 20% trên tổng đàn. Trọng lượng tiêu hủy hơn 4,5 triệu tấn. Đến ngày 5/5/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Qua khảo sát đến cuối tháng 6/2020, tổng đàn lợn toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 379.091 con, giảm 6% so với quý 2/2019. Nhưng so sánh cả giai đoạn năm 2015- 2020, đàn lợn toàn tỉnh Lâm Đồng đạt mức tăng trưởng bình quân 1,84%/năm.
Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp, trang trại đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lợn chăn nuôi tập trung ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Tỷ lệ đàn lợn ngoại và lợn lai chiếm 90% tổng đàn.Trong đó đàn lợn nái hậu bị chiếm 12%. Phương thức chăn nuôi đang dịch chuyển từ quy mô nông hộ sang quy mô trang trại vừa và lớn; mô hình liên kết chăn nuôi đang hình thành và ngày càng mở rộng. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 306 trang trại chăn nuôi lợn với hơn 184.000con, chiếm khoảng 50% tổng đàn. Tính riêng lợn nái đang khai thác khoảng 45.580con, hàng tháng sản xuất từ 72.000- 75.000 lợn con, mới đáp ứng tỷ lệ 80% nhu cầu tăng đàn, tái đàn trong toàn tỉnh Lâm Đồng.
“Việc tái đàn lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ gặp khó khăn do các hộ thiếu vốn và nguồn giống, điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, tiềm ẩn nhiều rủi ro tái phát dịch bệnh. Việc áp dụng các quy trình phòng tránh dịch bệnh, an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAHP chủ yếu do các doanh nghiệp đăng ký xây dựng. Quá trình liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở khâu thu mua giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt lợn… ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định. Trong khi đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn hầu như chỉ cung cấp lợn giống cho các trang trại chăn nuôi trong chuỗi hệ thống của mình. Bởi vậy nguồn lợn giống phục vụ tăng đàn, tái đàn đối với hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn đối diện với tình trạng khan hiếm. 
Như đã nói ở trên, mục tiêu đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 416.465 con, tăng 10% so với quý 2/2020. Và đến cuối năm 2022, đạt mức đàn lợn toàn tỉnh Lâm Đồng khi chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi với tổng đàn 450.000 con, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó đàn lợn nái 54.000 con, tăng 4.025 con so với cuối năm 2020. Các nhóm giải pháp được xác định để phối hợp triển khai đạt mục tiêu tăng đàn, tái đàn vừa nêu gồm: tổ chức sản xuất chăn nuôi, quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trước hết, khuyến khích các cơ sở chủ động nhập giống lợn bố mẹ về để chủ động sản xuất lợn giống cung cấp cho người chăn nuôi. Trường hợp khan hiếm nguồn lợn giống tại chỗ, ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ đặt hàng mua về từ các cơ sở sản xuất lợn giống do Cục, Viện Chăn nuôi quản lý. Tiếp theo cần xác định lợi thế phù hợp để phát triển đồng bộ 3 vùng chăn nuôi trong tỉnh Lâm Đồng gồm: chăn nuôi lợn sinh sản thuộc địa bàn 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; chăn nuôi lợn thịt ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc; phát triển lợn giống bản địa ở huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông.
Đặc biệt cần tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, áp dụng quy trình VietGAHP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với tiêu thụ ổn định trên thị trường cạnh tranh…/.
tháng 8/2020