Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung


VĂN VIỆT
Sau 5 năm phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Sau khi Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 05- NQ/TU, ngày 11/11/2016 về phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với các vùng sinh thái trên địa bàn. Theo đó, ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan và chính quyền địa phương cấp huyện, xã trong tỉnh Lâm Đồng bố trí nguồn lực tương xứng để thực hiện đồng bộ từng nhóm giải pháp đột phá, phát huy tiềm năng lợi thế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu cây trồng ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hơn 10 chương trình, đề án với tổng kinh phí 108 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, đồng thời lồng ghép nhiều chương trình tài trợ, viện trợ, vốn vay tổng cộng khoảng 20.000 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất. Tiêu biểu gồm các chương trình trọng tâm, trọng điểm như: thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; chuyển đổi cây trồng vật nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững…
 Thông qua chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều công nghệ mới, hiện đại được mạnh dạn đầu tư sản xuất, tạo bước đột phá không chỉ tập trung ở những vùng trọng điểm mà còn phát triển đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thống kê diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển khoảng 60.200ha, tăng 17.116ha so với năm 2015. Trong đó trên 12 huyện, thành đã hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với quy mô diện tích khoảng 3.900ha. Đồng thời tiếp tục quy hoạch bổ sung 1.918ha diện tích thu hút đầu tư mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. Đến nay, tại Đà Lạt đã có  Làng hoa Vạn Thành và Làng hoa Thái Phiên đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 308ha. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt triển khai Đề án Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng khoảng hơn 200ha tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật để chính thức đi vào hoạt động.
Với tổng diện tích đất nông nghiệp canh tác ổn định trên 300.000ha, Lâm Đồng đã tổ chức thành các vùng chuyên canh tập trung tương xứng với lợi thế cạnh tranh của từng vùng. Cơ cấu, chủng loại giống cây trồng tiếp tục chuyển đổi phù hợp với điều kiện sinh thái, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu. Cụ thể, Lâm Đồng đã hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô lớn thuộc địa bàn Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà với tổng diện tích 68.300ha rau (2,5 triệu tấn/năm); 9.400ha hoa ( gần 3,7 tỷ cành/năm)…Tính đến tháng 8/2020, riêng cây cà phê tập trung phần lớn trên 9 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng (trừ 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) với tổng diện tích 174.400ha (565.800tấn/năm), tăng 8.200ha so với năm 2015. Trong đó gồm 22.600ha được trồng xen mắc ca, cây ăn quả, cây che bóng; tái canh, cải tạo 45.024ha; cấp chứng nhận UTZ, 4C, Rainforest với 75.500ha. Ngoài ra cây chè sản xuất quy mô tập trung ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đà Lạt đạt tổng diện tích 12.400ha (188.000 tấn/năm)…
Phát huy những kết quả đạt được nêu trên, trong 5 năm tới, Lâm Đồng tiếp tục mở rộng những vùng sản xuất quy mô lớn với diện tích nộng nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng lên 75.000ha, nông nghiệp hữu cơ 1.600ha, nông nghiệp thông minh 1.000ha. Để đạt và vượt mục tiêu này, những nhóm giải pháp căn bản theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng là “tiếp tục cơ cấu lại các vùng sản xuất theo trục sản phẩm chủ lực của tỉnh và mô hình mỗi xã một sản phẩm, lồng ghép vào việc triển khai quy hoạch, chuyển giao đồng bộ khoa học công nghệ ứng dụng từng giai đoạn phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các vùng sản xuất với trung tâm sau thu hoạch, nhà máy chế biến, chợ đầu mối và kênh phân phối ổn định trên thị trường…”./.
*THÁNG 8/2020