Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Khôi phục rừng Tây Nguyên- vừa cấp bách vừa lâu dài


Bài 2, Nhận diện dân di cư tự do
VĂN VIỆT

Để sớm ổn định đời sống dân di cư tự do gắn với bảo vệ rừng, sản xuất nông lâm kết hợp, các tỉnh Tây Nguyên xác định cần triển khai những nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài để xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đúng mục đích, đạt hiệu quả cao trên từng địa bàn.
Còn 22.000 hộ dân di cư tự do chưa bố trí sản xuất ổn định
Đánh giá chung cho thấy, địa hình 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên chia thành 3 tiểu vùng khí hậu Bắc Tây Nguyên, Trung Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên với độ cao từ 500m đến 1.500m với đặc điểm, điều kiện thuận lợi để ổn định và phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày cùng các loại cây ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao... Trong tổng dân số điều tra vào cuối năm 2019 hơn 5,8 triệu người, chiếm 70% dân số vùng nông thôn và 30% dân số vùng thành thị. Mật độ dân số trung bình chỉ 103 người/km2. Trong giai đoạn 1996- 2020, dân số vùng Tây Nguyên tăng nhanh, trong đó chiếm tỷ lệ không nhỏ dân số tăng cơ học thông qua quá trình nhập cư với quy mô 170- 180.000 người/năm.
Thống kê từ năm 2005 đến năm 2017, dân di cư tự do chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc đến Tây Nguyên khoảng 58.846 hộ, nhưng do nhiều điều kiện khác nhau, đến nay các cơ quan chuyên trách khu vực này mới tổ chức bố trí ổn định vào các điểm dân cư 36.846 hộ, nên vẫn còn khoảng 22.000 hộ sinh sống rải rác trên các diện đất rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Và tính riêng giai đoạn năm 2015- 2020, trong số 40.616 hộ dân di cư tự do đến khu vực Tây Nguyên thì chiếm tỷ lệ 55% được bố trí vào các điểm dân cư, còn lại 45% tiếp tục định cư, định canh phân tán trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Trong đó chiếm tỷ lệ hộ dân di cư tự do nhiều nhất là người Kinh (chiếm 48,5%); tỷ lệ 21,5% còn lại là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số H’Mông, Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao…Đa số người Kinh di cư tự do đến các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum; người H’Mông và các dân tộc thiểu số khác tập trung di cư tự do đến Đắk Lắk, Đắk Nông. Hộ dân di cư tự do đến Tây Nguyên thường định canh theo từng nhóm hộ cùng dân tộc chọn các khu vực đất lâm nghiệp dọc theo thung lũng, khe suối…để canh tác nông nghiệp. Từ năm 2005 đến năm 2017, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên đã tiến hành bố trí, sắp xếp, ổn định cho 36.477 hộ/58.846 hộ dân di cư tự do chiếm tỷ lệ 62%. Tại các điểm dân cư mới này, các hộ dân di cư tự do theo quy hoạch đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: nhà ở xây dựng kiên cố, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, cơ sở hạ tầng giao thông xây dựng tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt, tạo sinh kế ổn định đời sống…. 
Lập 751 Đề án chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng và đất lâm nghiệp
Tuy nhiên theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Tình trạng di cư tự do ở Tây Nguyên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình quy hoạch, phân bổ lại dân cư trên địa bàn. Đặc biệt các hộ dân di cư tự do đến Tây Nguyên chủ yếu là hộ nghèo, hiện sống rải rác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng lõi của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, gây khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực…..  ” Theo đó, mặc dù một bộ phân hộ dân di cư tự do đã được chính quyền các cấp ở Tây Nguyên bố trí có chỗ ổ ổn định, nhưng do thiếu giấy tờ tùy thân, thiếu đất sản xuất, thu nhập thấp…, dẫn đến tình trạng tái diễn lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái và các loại ngắn ngày khác. Trong khi đó một số địa phương trong khu vực Tây Nguyên triển khai bố trí chỗ ở cho dân di cư tự do vẫn còn chưa sát với thực tế, nhiều dự án đang thực hiện dở dang, phải điều chỉnh nhiều lần, nhưng kết quả lại chỉ mới đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu vốn địa phương. Ngoài ra việc lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Nhà nước kết hợp chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ở khu vực tập trung dân di cư tự do với kết quả còn gặp nhiều hạn chế…
Nhận định trong những năm tới, trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung nguy cơ phải gánh chịu thiên tai, bão lũ thường xuyên, dẫn đến đời sống khó khăn, sản xuất kém hiệu quả của nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ dân người đồng bào thiểu số, dự báo khả năng di cư tự do đến Tây Nguyên lấn chiếm đất rừng sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiềm ẩn. Bởi vậy để hoàn thành kế hoạch vào năm 2025 bố trí ổn định đời sống và sản xuất đối với khoảng 22.000 hộ dân di cư tự do đến từ nhiều năm trước đây, đồng thời khắc phục cơ bản tình trạng dân di cư tự do mới phát sinh, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nói chung, 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum của khu vực Tây Nguyên nói riêng cần đồng bộ vào cuộc triển khai cơ chế, chính sách và những nhóm giải pháp mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa.
Được biết đến đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác đối với 338ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở vùng Tây Nguyên, trong đó có nhiều diện tích sản xuất nông lâm kết hợp của hộ dân di cư tự do. Tính chung cả vùng Tây Nguyên đã lập 751 Đề án chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp khoảng 48.980ha. Bởi vậy để nâng cao giá tri đất sản xuất nông lâm kết hợp của dân di cư tự do, 5 tỉnh Tây Nguyên sớm xây dựng và triển khai quy hoạch từng loại cây trồng phù hợp với từng địa hình sinh thái. Bên cạnh đó cần áp dụng các cơ chế hỗ trợ về vốn tín dụng, vốn đầu tư khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất và chất lựợng nông sản thu hoạch. Ngoài ra phải đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng vùng bố trí dân cư mới, phấn đấu đến năm 2030, toàn vùng Tây Nguyên đảm bảo thực sự ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất bền vững đối với dân di cư tự do…/.
*Tháng 8/2020