Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Khôi phục rừng Tây Nguyên- vừa cấp bách vừa lâu dài


Bài 3/Giải pháp phủ xanh 52.041ha đất lâm nghiệp Nam Tây Nguyên
VĂN VIỆT
Mục tiêu trong 10 năm tới, Lâm Đồng phủ xanh trên tổng diện tích 52.041ha trồng cây lâm nghiệp xen canh cây nông nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời tăng cường lồng ghép với giải pháp quản lý, bảo vệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những trường hợp mở rộng diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm mới phát sinh trên địa bàn.

39.479 hộ sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp lấn chiếm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, từ cuối năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã rà soát, điều chỉnh giảm cơ cấu 3 loại rừng với 16.146ha để giải quyết đất sản xuất cho người dân địa phương. Tuy nhiên hiện tại vẫn còn 52.041ha đất lâm nghiệp đã lấn chiếm sản xuất nông nghiệp từ năm 2014 trở về trước, chiếm tỷ lệ 8,7% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể gồm 34.916ha diện tích đất rừng sản xuất (67,1%), 16.883ha đất rừng phòng hộ (32,4%) và 242ha đất rừng đặc dụng (0,5%). Trong đó diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp chiếm nhiều nhất với 49.049ha do các chủ rừng nhà nước quản lý; còn lại 3.252ha thuộc chủ thể quản lý là doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực khác nhau, nhà máy thủy điện, cộng đồng dân cư…
Cụ thể diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp lớn hơn 2.000ha gồm 6 huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Đà Lạt. Và nhỏ hơn 1.000ha tập trung 4 huyện Lạc Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Toàn tỉnh Lâm Đồng thống kê 39.479 hộ sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp với tỷ lệ 76% hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh tại chỗ; 24% hộ di cư tự do. Ngoài ra còn có 2.120 hộ làm nhà ở cố định trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, bình quân diện tích 100-180m2/hộ.   
Qua phân loại cây trồng nông nghiệp trên 52.041ha diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm ở Lâm Đồng cho thấy các tỷ lệ: 78,92% cây cà phê; 19,83% cây ăn quả, cây chè, dược liệu, rau, hoa, đậu, bắp...; 1,02% cây tiêu và 0,23% cây cao su. Kết quả doanh thu bình quân từ 230- 255 triệu đồng/ha/năm mô hình xen canh bơ, sầu riêng, mắc ca với  cà phê; 80- 90 triệu đồng/ha/năm trồng thuần cà phê.
“ Nhiều năm qua, các đơn vị chủ rừng ở Lâm Đồng do thiếu lực lượng chuyên trách để tuần tra phát hiện, áp dụng những giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, hệ quả tình trạng xâm canh trái phép đất lâm nghiệp kéo dài nhiều năm, dàn trải trên nhiều địa bàn. Trong khi đó, đối tượng tác động xâm canh đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp tự phát chủ yếu là hộ gia đình nghèo tại chỗ và hộ dân di cư tự do không có điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác và tiếp cận thị trường nông sản cạnh tranh, nên chưa thể phát huy giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất… ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Bổ sung cây trồng đa mục đích trên đất lâm nghiệp Nam Tây Nguyên
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng xen canh trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp đạt giá trị kinh tế cao, góp phần khôi phục và tăng độ che phủ rừng của Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã xác định gần 30 loại cây trồng “đa mục đích” phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trên địa bàn. Thực tế giai đoạn năm 2017- 2020, tỉnh Lâm Đồng đã đưa việc trồng xen cây lâm nghiệp vào kế hoạch trồng rừng trên địa bàn với tổng diện tích dự kiến 10.000ha. Đồng thời vận dụng Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo  vệ và phát triển rừng gắn với hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn năm 2015- 2020, tỉnh Lâm Đồng triển khai hỗ trợ nhân công và vật tự trị giá 10 triệu đồng/ha/ mô hình trồng xen cây lâm nghiệp. Riêng tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng đã và đang chủ động thí điểm, lồng ghép chương trình UN-REDD giai đoạn II để trồng xen cây lâm nghiệp trên đất sản xuất nông nghiệp lấn chiếm với tổng diện tích khoảng 4.000ha…
Qua khảo sát cho thấy, kết quả trồng xen canh các loại cây “đa mục đích” như bơ, mít, sầu riêng, hồng…trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp từ 3- 5 năm sau đều đạt chiều cao 3- 5m, đường kính tán 3,5- 5m, tương ứng đạt độ tàn che 0,1 thành rừng khoảng 80- 100 cây/ha. Bình quân trồng cây “đa mục đích” hiện nay ở vùng Nam Tây Nguyên với mật độ thấp là 185 cây/ha. Khi cây “đa mục đích” bắt đầu khép tán thành rừng cũng là lúc bước vào chu kỳ thu hoạch lấy quả kinh doanh, mang về thu nhập gia tăng cho người sản xuất.
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh 2 phương án trồng xen cây lâm nghiệp mật độ thấp khi đạt độ tàn che tối thiểu thành rừng ở Tây Nguyên. Thứ nhất, cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình hoàn thành giai đoạn kiến thiết cơ bản, trồng đúng đối tượng cây trồng, đúng mật độ cho phép, chất lượng cây sinh trưởng bảo đảm. Thứ hai, thực hiện hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ổn định. Kết thúc thời hạn 20 năm sẽ tiếp tục xem xét, gia hạn hợp đồng nếu hộ nhận khoán trồng xen cây “đa mục đích” thành rừng, đảm bảo chất lượng sinh trưởng, đúng mật độ cho phép; đồng thời cam kết sử dụng đất đúng mục đích sản xuất nông lâm kết hợp.
Để triển khai thành công 2 phương án này, sau khi trừ 5.005ha diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiêp cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ quan có năng lực tài chính khôi phục rừng, tỉnh Lâm Đồng cần 470 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cây giống và một phần công lao động để phủ xanh 47.036ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp lâu năm của các hộ dân thiếu đất sống gần rừng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong 10 năm tới. Trong khi ngân sách còn gặp khó khăn, tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tiết cấp hàng năm khoảng 47 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Lâm Đồng.
Đồng thời tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bổ sung vào danh mục loài cây trồng đa mục đích gồm bơ, mít, sầu riêng, hồng…có tác dụng như cây rừng trồng xen trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ở Nam Tây Nguyên nói riêng, cả vùng Tây Nguyên nói chung.
Hy vọng với các phương án và chính sách hỗ trợ được triển khai theo đề xuất từ tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên đạt được mục tiêu chung trong 10 năm tới là: “ trồng cây công nghiệp theo hướng phát thải thấp, tăng trưởng xanh, đảm bảo sử dụng đất lâm nghiệp bền vững, đạt hiệu quả kinh tế- xã hội và môi trường bằng giải pháp nông lâm kết hợp. Đồng thời lồng ghép tăng cường công tác giám sát quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ, tránh tình trạng mở rộng và tạo mới diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép để sản xuất nông nghiệp… ”
THÁNG 8/2020