Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Chuyển giao khoa học công nghệ về vùng xa


VĂN VIỆT

Trong 10 năm qua, Lâm Đồng đã triển khai 23 dự án cấp nhà nước và cấp tỉnh để chuyển giao khoa học công nghệ nâng cao giá trị vật nuôi, cây trồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. 


Kết quả điển hình như: xây dựng mô hình nuôi 300.000 con cá tầm giống từ nước Nga, từ đó sản xuất tổng cộng 1 triệu con cá bột để cung cấp cho người nông dân tiếp tục nuôi trồng, thu hoạch cá thịt thương phẩm cạnh tranh hiệu quả thị trường. Ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương áp dụng những quy trình kỹ thuật chuyển giao từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để nhân rộng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao. Qua đó đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 250 lượt hộ nông dân trồng và sử dụng các giống cỏ chăn nuôi mới; chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, vỗ béo bò thịt, vệ sinh chuồng trại…Đến nay mô hình đàn bò lai hướng thịt đã sinh sản 142 bê con…
Với dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018- 2020”, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển 11 mô hình sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP; hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ 4 sản phẩm cà chua, ớt ngọt, dâu tây và xà lách; xây dựng Trung tâm Sau thu hoạch sơ chế, chế biến nông sản đạt chất lượng HACCP.  
Đáng kể tại huyện Cát Tiên, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đồng Nai Thượng” đã xây dựng và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ các mô hình đạt hiệu quả cao như trồng lúa nước (48,7 – 50,5 tạ/ha), cải tạo vườn điều (12,3 tạ/ha), tăng năng suất lần lượt so với biện pháp canh tác trước đó hơn 165% và 150%. Ngoài ra dự án còn hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật cho nông dân trồng xen canh 5,2ha bơ trên vườn cà phê, 1ha dứa dưới tán điều…
Còn nhiều dự án khác đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt cho hàng trăm lượt hộ đồng bào thiểu số trên địa bàn gồm: ghép cải tạo 10ha cà phê ở huyện Lâm Hà đạt năng suất 4 tấn/ha; xen canh 40ha ca cao dưới tán điều ở huyện Đam Rông; sản xuất rau, hoa công nghệ cao (500m2/mô hình) tại các xã Đưng K’Nớ ( Lạc Dương), Gia Bắc (Di Linh)…
Được biết, tổng kinh phí triển khai 23 dự án nói trên từ ngân sách Trung ương và địa phương khoảng 42,5tỷ đồng. Bên cạnh tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản trên thị trường, qua từng dự án đã góp phần xóa đói nghèo, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư nông thôn ở Lâm Đồng.
THÁNG 8/2020