Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Vùng xa không chỉ tái canh cà phê

VĂN VIỆT
Với các nguồn vốn tín dụng từ Chi nhánh Agribank Hòa Ninh, huyện Di Linh, nhiều hộ gia đình nông dân quanh vùng đã tích cực tái canh cây cà phê kết hợp chuyển đổi cây trồng và vật nuôi mới, đồng thời mở rộng kinh doanh tổng hợp để tạo ra những bước đột phá về thu nhập làm giàu.

Tái canh, đa canh và kinh doanh
Ông Lê Thành Nam, Giám đốc Chi nhánh Agribank Hòa Ninh, huyện Di Linh bố trí cho tôi một buổi sáng “tiếp xúc lưu động” những khách hàng nông dân làm giàu ở địa phương nhờ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhiều năm qua. Xe đi trên đường lớn từ ngã ba xã Hòa Ninh vòng qua những khu vườn cà phê thâm canh, tái canh và xen canh xanh mát. Đến thôn 18, xã Hòa Bắc, Di Linh, gặp nông dân Đặng Văn Thủy (61 tuổi) nhiệt tình hướng dẫn tôi tham quan diện tích 3ha cà phê ghép cải tạo, kết hợp với xen canh các loại cây trồng khác. Sắp bước qua tháng 9/2016, những cây sầu riêng che bóng cho cây cà phê của ông Thủy đang trong mùa thu hoạch trái chín rụng xuống gốc cây. Ông Thủy chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm trên 60 cây sầu riêng che bóng cây cà phê, hộ gia đình chúng tôi đều thu hoạch trên dưới 4 tấn trái bán ra thị trường. Giá mỗi ký sầu riêng thu mua tại vườn nhà trong tháng 8/2016 trung bình là 35.000 đồng. Bên cạnh còn có 50 cây tiêu cũng trồng xen canh với cà phê, thu hoạch vụ mùa vừa qua tổng cộng 250kg hạt thương phẩm, giá thị trường trung bình 160.000 đồng/kg…”
Nếu tính từ giữa năm 2015 đến nay, trên diện tích 3 ha cà phê ghép của mình, hộ gia đình ông Thủy đã phát triển xen canh mới 1.000 gốc tiêu, dự kiến 2 năm nữa đến mùa thu hoạch rộ, phấn đấu đạt năng suất từ 4- 5kg hạt khô/cây/năm. Phần tổng diện tích 3 ha cà phê, ông Thủy đã ghép cải tạo hoàn thành và bắt đầu thu hoạch niên vụ 2015- 2016 với 4 tấn nhân/ha.
Để tạo thành vườn cà phê 3 ha xen canh với cây sầu riêng và cây tiêu vừa nêu, cách đây 10 năm, ông Thủy đã huy động nhiều nguồn đầu tư thâm canh, trong đó có vốn tín dụng 30triệu đồng từ Chi nhánh Agribank Hòa Ninh, huyện Di Linh. Ông Thủy kể tiếp: “ Thời gian sau đó, nhiều hộ nông dân quanh vùng đến trao đổi kinh nghiệm sản xuất rồi đề nghị cung cấp các nguồn phân đã mua về bón đạt hiệu quả sinh trưởng tốt cho nhiều loại cây trồng. Nắm bắt cơ hội này, gia đình tôi lập kế hoạch hoạt động phân phối phân bón và iêu thụ sản phẩm cà phê nhân, được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hòa Ninh, Di Linh xem xét, giải quyết cho vay tăng thêm số tiền hàng năm, kết quả đến nay với số dư nợ lên đến 2 tỷ đồng…”
Được biết, trong 3 năm gần đầy, mỗi năm, hộ gia đình ông Đặng Văn Thủy đã duy trì giao dịch với nông dân các xã Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Nam, Hòa Trung, Đinh Trang Hòa gồm: bán trả chậm khoảng 400 tấn phân bón và thu mua trả tiền trực tiếp 500 tấn cà phê nhân.
Tương tự trong vòng 4 năm qua, với nguồn vốn vay tăng từ 1 tỷ đồng lên 3,6 tỷ đồng tại Chi nhánh Agribank Hòa Ninh, huyện Di Linh, hộ gia đình ông Nguyễn Tất Duy (41 tuổi) không chỉ vừa thu hoạch cà phê vừa tái canh trồng mới trên tổng diện tích 6,5 ha ở xã Hòa Bắc và xã Hòa Trung, mà còn nâng cấp một cửa hàng kinh doanh trang trí nội thất với quy mô đến 900 mét vuông, tọa lạc trên địa bàn xã Hòa Ninh…
    Tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Ghé lại thôn 16, xã Hòa Bắc, Di Linh, nông gia Trần Văn Toán (42 tuổi) đã cho tôi những ghi nhận về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng phục vụ tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở phạm vi hộ gia đình. Đó là đàn heo 80 con, mỗi năm đẻ khoảng 250 heo con và xuất bán heo thịt hơn 10 tấn; diện tích cà phê ghép 2ha, thu mùa đầu tiên đến 7 tấn nhân/ha; trồng 1.000 trụ tiêu xen canh với cà phê, hiện đang đậu trái bói; mua thêm 3ha cà phê ở xã Lộc Bảo, Bảo Lâm (1ha đang thu hoạch và 2ha trồng mới đến năm thứ 3). Toán chia sẻ: “Hộ gia đình chúng tôi vay Chi nhánh Agribank Hòa Ninh 150 triệu đồng để tái canh cà phê, nay đã trả được 50triệu đồng tiền vốn gốc. Và đang vay thêm 300 triệu đồng xây chuồng trại mới để tăng số lượng đàn heo sinh sản và heo thịt hàng năm; tiếp tục thâm canh các diện tích cà phê tái canh trồng mới và ghép cải tạo; theo dõi kết quả sinh trưởng của 50 cây mắc ca xen canh thử nghiệm… ”
Nói riêng việc nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp và kinh doanh ở vùng xa, bà Đinh Thị Tố Như, phụ trách tín dụng của Chi nhánh Agribank Hòa Ninh, huyện Di Linh, cho biết thêm: “Thống kê số hộ nông dân toàn xã Hòa Bắc, Di Linh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất, chiếm khoảng 30-40% phát triển kinh doanh tổng hợp và từ 60- 70% tái cơ cấu sản xuất đa cây và đa con …”
Và nói chung kết quả giải quyết nguồn vốn tín dụng cho các xã nông nghiệp vùng xa của huyện Di Linh thì ông Lê Thành Nam, Giám đốc Chi nhánh Agribank Hòa Ninh đánh giá: “Việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả đối với người nông dân ở các xã sản xuất cà phê trọng điểm của huyện Di Linh, đã góp phần hiện thực hóa chương trình tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng hoạt động kinh doanh- dịch vụ và phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn…”/.
THANG 9/2016