Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Nâng cao giá trị hàng đặc sản Trại Hầm

VĂN VIỆT
Thông qua các hình thức vận động liên kết sản xuất, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị phường 10, Đà Lạt đã xây dựng môi trường thuận lợi cho nông dân nâng cao giá trị các mặt hàng đặc sản truyền thống mang địa danh Trại Hầm.
    
Tạo vốn vay sản xuất hợp tác
Trên sân khấu cuộc thi tìm hiểu Luật Hợp tác xã năm 2012 vừa diễn ra tại Khu Trung tâm Hành chính thành phố Đà Lạt, đội thi của phường 10 trình bày tiểu phẩm “Phiên chợ hợp tác” với hoạt cảnh mua bán sôi động các mặt hàng khoai lang dẻo, hồng sấy khô, mứt mận…đặc sản truyền thống của thung lũng Trại Hầm. Tiểu phẩm không chỉ giúp mọi người cảm nhận được giá trị lâu bền của các mặt hàng đặc sản Trại Hầm, mà còn cho thấy hướng đi hiệu quả mới của một làng nghề truyền thống – hướng đi theo mô hình Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong đó mọi hoạt động được tôn trọng theo nguyên tắc đồng sở hữu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã đối với mọi thành viên.    
Đối chiếu với thực tế sản xuất của Hợp tác xã Đặc sản Trại Hầm, chị Nguyễn Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường 10 và là thành viên đội thi của phường này cho biết: HTX Đặc sản Trại Hầm với 7 thành viên hộ gia đình sản xuất mỗi tháng khoảng 15 tấn nguyên liệu củ khoai lang, trái hồng tươi, cho ra khoảng gần 5 sản phẩm sấy khô cùng loại. Hợp tác xã tổ chức cung ứng toàn bộ mặt hàng đặc sản chế biến đến các khu vực du lịch trong tỉnh Lâm Đồng, đồng thời kết nối với khách hàng, từng bước thâm nhập thị trường lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính 8 tháng đầu 2016, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động bên ngoài hộ gia đình thành viên, thu nhập trung bình 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng mỗi hộ gia đình thành viên trực tiếp sản xuất thu về lợi nhuận từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
Đáng kể hơn, qua tín chấp của UBND và các đoàn thể chính trị ở phường 10, Đà Lạt, những hộ gia đình thành viên Hợp tác xã Đặc sản Trại Hầm được vay nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng từ 20- 50 triệu đồng/hộ, thời hạn từ 1 năm đến 5 năm với lãi suất ưu đãi để nâng cấp cơ sở sản xuất, chế biến tập trung hàng đặc sản củ khoai lang, trái hồng sấy khô gắn thương hiệu “Trại Hầm”. “Thường xuyên lồng ghép với nội dung cuộc họp ở tổ dân phố và những đợt sinh hoạt, giao lưu các cơ quan, đơn vị tỉnh bạn hàng năm, UBND phường 10 đã phối hợp với các đoàn thể địa phương tranh thủ cơ hội quảng bá thương hiệu đặc sản “Trại Hầm” đến với đối tượng khách hàng khác nhau ở nhiều khu vực thị trường trong nước…”- Phó Chủ tịch UBND phường 10, Nguyễn Xuân Nguyên nói.
Đầu tư công nghệ chế biến mới
Đến thời điểm giữa tháng 9/2016, các cơ sở chế biến hàng đặc sản ở Trại Hầm tập trung “vận hành” phần lớn hệ thống lò than để sấy hồng ăn trái Đà Lạt bước vào mùa thu hoạch. Vì vậy lượng khoai lang dẻo chế biến phải giảm xuống trung bình hơn 70% so với những ngày bình thường. Riêng với cơ sở đặc sản của nam thanh niên “9X” Tạ Huy ở địa danh Trại Hầm này thì 100% công suất lò sấy, nhà sấy đều giành cho chế biến nguyên liệu hồng ăn trái tươi Đà Lạt kéo dài trong suốt vụ mùa khoảng 3 tháng. Dẫn tôi tham quan cơ sở sản xuất bố trí trong 2 tầng nhà riêng biệt, mặt bằng mỗi tầng khoảng 65 mét vuông chế biến hồng sấy khô trên 40 lò than và hồng treo trong nhà kính theo công nghệ Nhật Bản. “Mùa hồng Đà Lạt năm 2015, cơ sở chế biến mỗi ngày từ 100- 150kg hồng sấy khô bằng lò than. Trong khi đó, mặt hàng hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản thì đến lô sản phẩm lần thứ 3 trở đi mới đạt chất lượng 1.000kg/tháng… ”- Huy cho biết.
Hiện tại, nam thanh niên Tạ Huy “9X” đang hoàn thành luận văn thạc sĩ ngành kinh tế nông nghiệp ở một Trường Đại học thành phố Hồ Chí Minh, và đã chính thức quyết định phát triển nghề sản xuất các mặt hàng đặc sản truyền thống Trại Hầm, Đà Lạt của gia đình bằng cách đầu tư dây chuyền công nghệ mới của Nhật, bên cạnh vẫn giữ lại hệ thống sấy lò than thủ công. Những lô sản phẩm sấy hồng treo đầu tiên của Huy bị hư hỏng phần lớn vì áp dụng chưa đầy đủ quy trình công nghệ của Nhật như: giữ độ ẩm trong nhà kính quá cao, thiếu kỹ thuật ngăn chặn côn trùng xâm nhập và sinh sôi nảy nở, lắp đặt các vị trí quạt gió không phù hợp với từng vị trí…
Mùa hồng ăn trái Đà Lạt những tháng cuối năm 2016 này, Huy tiếp tục bổ sung các thiết bị dây chuyền hoạt động trong nhà kính treo hồng sấy khô kiểu Nhật, công suất dự kiến vẫn giữ ở mức đảm bảo chất lượng 1.000kg thành phẩm/tháng. Trong đó, thị phần tiêu thụ chiếm tỷ lệ khoảng 30% sản phẩm thông qua liên kết với Hợp tác xã Đặc sản Trại Hầm; tỷ lệ 70% sản phẩm còn lại phân phối cho các đối tác hợp đồng đến các siêu thị trong nước.          
Để phát huy hiệu quả không ngừng đối với nghề sản xuất hàng đặc sản Trại Hầm trong thời gian tới, Phó Bí thư phường 10, Đà Lạt, Trần Văn Thiêm định hướng: “ Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị phường 10 sẽ tạo mọi điều kiện duy trì và mở rộng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ đối với HTX Đặc sản Trại Hầm nói riêng và tất cả cơ sở sản xuất hàng đặc sản thương hiệu Trại Hầm nói chung. Có thể trước mắt chọn một vài mô hình tiêu biểu đón khách du lịch tham quan miễn phí, nhằm giới thiệu, quảng bá về quy trình sản xuất, chế biến hàng đặc sản Trại Hầm, Đà Lạt đảm bảo chất lượng an toàn…. ”/.
THANG 9/2016