Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Giúp người tiêu dùng nhận diện khoai tây Đà Lạt

VĂN VIỆT
Để giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt sản phẩm khoai tây Đà Lạt với các sản phẩm khoai tây khác, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tiến hành điều tra, rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất- kinh doanh khoai tây Đà Lạt để chọn lựa các mô hình thí điểm sử dụng bao bì, nhãn hiệu sản phẩm đưa ra thị trường.

Khoai tây Trung Quốc vẫn nhập số lượng lớn về Đà Lạt
Tôi đến Chợ Nông sản Đà Lạt ở dưới chân đèo Trại Mát vào ngày cuối cùng của tháng 8/2016 vẫn ghi nhận số lượng lớn mặt hàng khoai tây Trung Quốc nhập về đổ đống rồi chất đầy từng bao sắp xếp lớp lớp, hàng hàng che khuất mặt hàng khoai tây Đà Lạt. Đang trong thời điểm mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11), thời tiết Đà Lạt và các vùng phụ cận thường xuất hiện bệnh mốc sương gây hại trên diện rộng, dẫn đến diện tích và năng suất khoai tây so với mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau) giảm xuống với các tỷ lệ lần lượt còn khoảng 20 - 25 % và 40- 50%. Nhưng đáng nói hơn, dù trong mùa khô chính vụ hay mùa mưa trái vụ, mặt hàng khoai tây Đà Lạt luôn đạt mức giá thị trường cao hơn gấp nhiều lần khoai tây Trung Quốc. Nhằm thu lợi bất chính từ mức chênh lệch giữa hai giá khoai tây này, không ít thương lái đã dùng đất đỏ Đà Lạt phủ lên củ khoai tây Trung Quốc hoặc trà trộn phần lớn khoai tây Trung Quốc vào phần nhỏ khoai tây Đà Lạt, sau đó đánh lừa người tiêu dùng bằng cách bán tất cả theo giá khoai tây Đà Lạt.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, cán bộ quản lý khu Chợ Nông sản Đà Lạt cho biết, cứ theo chu kỳ vào mùa mưa hàng năm, thương lái nhận hàng khoai tây Trung Quốc về Đà Lạt với số lượng nhiều hơn những tháng mùa khô còn lại. Ước tính riêng từ tháng 6 đến hết tháng 8/2016 ( tức sau 3 tháng đầu mùa mưa năm 2016), có khoảng trên dưới 7 “đầu xe” chở khoai tây Trung Quốc đổ vào kho trung chuyển ở Chợ Nông sản Đà Lạt, trọng tải mỗi “ đầu xe” áng chừng 30 tấn. “Việc giải quyết cho nhập khoai tây Trung Quốc vào các quày hàng trong Chợ Nông sản Đà Lạt gồm các bước thủ tục chủ yếu như: xuất trình hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa; cung cấp mẫu khoai tây kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với điều kiện trong ngưỡng an toàn…Đến giai đoạn xuất kho hàng ra khỏi Chợ Nông sản Đà Lạt bắt buộc gắn nhãn tên “Khoai tây Trung Quốc” do UBND thành phố Đà Lạt cấp, trên đó ghi rõ tên chủ hàng, số quày, số lượng hàng, điện thoại, giấy kiểm nghiệm an toàn thực phẩm...”- ông Kỳ nói.  
Tăng cường liên kết sản xuất- tiêu thụ khoai tây Đà Lạt
Thống kê trong một năm vừa qua, diện tích trồng khoai tây trên các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương khoảng 1.000ha, đạt tổng sản lượng hơn 30.000 tấn. Trong đó, mới chiếm khoảng 20% sản lượng tiêu thụ theo hợp đồng, tỷ lệ 80% sản lượng bán qua các thương lái trung gian thu mua nhận hàng trước, báo giá thanh toán khoảng một tuần sau. Điều đáng lưu tâm là trong đội ngũ thương lái ở đây có không ít người buôn bán cả khoai tây Trung Quốc tại các quày hàng trong Chợ Nông sản Đà Lạt. Bởi vậy, vấn đề quản lý nhà nước về lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, tích cực giữa sản phẩm khoai tây Trung Quốc với khoai tây Đà Lạt vẫn đang đặt ra khá bức thiết.
Những giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khoai tây Trung Quốc giả danh khoai tây Đà Lạt mà ông Kỳ vừa nêu ở trên là thực hiện chủ trương của UBND thành phố Đà Lạt, dẫu đang mang lại những kết quả đáng kể, song chỉ mới phát huy hiệu lực trong phạm vi hoạt động Chợ Nông sản Đà Lạt. Trong khi ở giai đoạn xuất hàng lưu thông trên thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng thì rất cần triển khai những giải pháp đồng bộ hơn nữa để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nhằm giúp cho đại bộ phận người tiêu dùng chọn lựa chính xác đâu là khoai tây Trung Quốc và đâu là khoai tây Đà Lạt. 
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn từ nay đến năm 2018, các cấp, ngành trong tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm phối hợp thực hiện 3 nhóm giải pháp trọng tâm để bảo vệ uy tín, nâng cao giá trị sản phẩm khoai tây Đà Lạt. Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh khoai tây hiểu rõ đặc điểm hình thái khoai tây Đà Lạt; cách phân biệt khoai tây Đà Lạt và khoai tây khác. Thứ hai, tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên khoai tây Đà Lạt và khoai tây nhập khẩu vào Lâm Đồng. Thứ ba, tăng cường xây dựng các đầu mối tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất, thu hoạch và đóng gói bao bì sản phẩm khoai tây Đà Lạt đưa ra thị trường phân phối đến người tiêu dùng.
Ngân sách tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ in ấn, cấp phát bao bì, nhãn hiệu khoai tây Đà Lạt trong chu kỳ một năm sản xuất- kinh doanh đầu tiên. Cụ thể trên mỗi địa bàn phường, xã trọng điểm sản xuất- kinh doanh khoai tây Đà Lạt được chọn triển khai một mô hình thí điểm. Năm thứ hai trở đi sẽ tiến hành đánh giá và nhân rộng hiệu quả mô hình thí điểm này trên từng địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận./.
     THANG 8/2016