Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Từ Kobe đến Kuroge

Phóng sự VĂN VIỆT
Đã có nhà hàng “hạng sao” ở Đà Lạt, Bảo Lộc và Sài Gòn chế biến các món ăn từ thịt bò Kuroge giá cao hơn mười lần thịt bò thông thường, đã thôi thúc “khách tôi” cất công tìm hiểu. Khi biết xuất xứ loại thực phẩm thượng hạng của hành tinh này chính là giống bò Kobe Nhật Bản sinh sản trên cao nguyên B’Lao, “khách tôi” không tránh khỏi ngạc nhiên thú vị, thu nhận nhiều điều ý nghĩa cho tương lai nghề chăn nuôi đỉnh cao ở tỉnh Lâm Đồng…

Ngọn cỏ, gió lùa và Kuroge hơn 30 tháng tuổi
Từ thành phố Đà Lạt, tôi phải xuống thẳng thành phố Bảo Lộc rồi đi đường vòng dễ đến hai mươi cây số mới trở lại “không gian sinh tồn” 10ha của giống bò Kobe F1, tọa lạc trên địa bàn thôn 9, thuộc xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đang vào những ngày hạ tuần tháng 9/2016, trời hay mưa dày hạt, đường nhựa nhiều đoạn vỡ nứt trũng sâu, nên phải đi xe ô tô gầm cao đến nơi khỏi bị mắc cạn như đi xe máy. Hơn nữa, giữa lúc chuyển giao từ cuối mùa thu sang đầu mùa đông, thời tiết thường hay trái gió, trở trời phát tán những mầm bệnh xâm nhập trên vật nuôi và cây trồng, trong đó đối với giống bò Kobe F1 ở cao nguyên B’Lao lại rất cần những cách thức phòng ngừa nghiêm ngặt, đặc biệt hạn chế đón tiếp những khách đường xa rong ruổi cả ngày “ bụi vương vào vai áo” như tôi.
Điều hành trang trại bò Kobe ở đây, anh Nguyễn Trí Đức Vũ nói như phân trần: “ Là trang trại duy nhất của Việt Nam và là quốc gia thứ 6 trên thế giới áp dụng kỹ thuật phối tinh thành công giống bò Kobe của Nhật Bản nổi tiếng chất lượng thịt tạo nên những đường vân mỡ màu cẩm thạch ngon nhất so với tất cả các giống bò thịt trên thế giới, chúng tôi đang khép kín quy trình thực hành tại chỗ các tiêu chuẩn an toàn từ khâu phối giống sinh sản đến vỗ béo và giết mổ, phân loại sản phẩm, đóng gói hút chân không đưa ra thị trường. Bởi vậy, khách từ môi trường bên ngoài đến trang trại hãy thông tin trước chúng tôi để tiến hành các biện pháp vô trùng trước lúc hướng dẫn tham quan. Ngay cả những người điều hành và nhân viên trang trại chúng tôi hàng ngày đều bắt buộc rửa tay, rửa chân diệt khuẩn, khử trùng quần áo bảo hộ, giày dép…mới được phép lao động trong từng phần việc phân công…Bên cạnh đó, trong khu vực chuồng trại phải cách xa tối đa những tiếng ồn ảnh hưởng đến không gian thể hiện bản năng tự do của đàn bò Kobe …”
Vào trong cánh cổng trang trại bò Kobe, Giám đốc Vũ “quá cảnh” cho tôi từ chiếc ô tô bán tải gầm cao sang chiếc ô tô điện chuyên dùng lưu thông trên đường giao thông nội bộ, không có khói xe thải từ động cơ đốt trong bằng nhiên liệu xăng, dầu, nên âm thanh tiếng máy phát ra khá dễ chịu. Từng vòng xe lăn bánh khoan thai giữa cao nguyên thanh thoát, tôi nghe thấy từng cơn gió lùa qua ngọn cỏ xào xạc, qua khoảng trống nối dài trên đỉnh mái tôn chuồng trại trên cao. Gần gũi lâu hơn bên những chú bò Kobe đen mượt hiền lành, “khách tôi” như bỗng trôi theo những âm thanh du dương nhạc giao hưởng của thiên tài Beethoven và Mozart qua hệ thống loa hifi giăng mắc đều khắp trong chuồng trại. Lý giải cho điều này, Giám đốc Vũ nói: “ Các nhà khoa học đã chứng minh trong não người và động vật nói chung có một vùng rất nhạy cảm với âm nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng của thiên tài Beethoven và Mozart càng kích thích giải tỏa stress và tăng cường các chức năng hoạt động khác trong cơ thể. Chẳng hạn với loài bò Kobe ở Bảo Lâm, Lâm Đồng, trang trại mở cho nghe nhạc giao hưởng từ 7 giờ sáng đến 17giờ30phút chiều hàng ngày, quan sát cả đàn bò thấy con nào con nấy đều tỏ vẻ thích thú, ăn uống ngon lành, sảng khoái với những khẩu phần đầy đủ các dưỡng chất…. ”  
Trọn một buổi chiều xe điện đi và ghé lại bên mỗi lối mòn đất đỏ, “khách tôi” bước xuống dạo gót giáp vòng trang trại bò Kobe ở Bảo Lâm, Lâm Đồng, từng khu vực chức năng gắn kết với nhau đồng bộ, nhịp nhàng. Đó là diện tích 0,5ha những ô chuồng này bố trí nơi ở cho từng đàn bò cái Holstein Friesian hoặc bò cái Kobe F1 ở thời kỳ phối giống; ô chuồng nơi kia giành riêng chăm sóc đàn bò thịt Kobe F1 ở các lứa tuổi bê con, mới lớn, trưởng thành. Rồi diện tích 2,5ha các công trình hạ tầng phụ trợ, hệ thống nhà kho nguyên liệu, nhà lạnh giết mổ theo công nghệ treo hiện đại, nhà xưởng máy móc chế biến thức ăn gồm: gạo, cám, bắp, hèm bia, đậu nành, đậu phụng, bánh xì dầu, rơm khô, cỏ voi, mè đen, bã mía, rỉ mật….phân phối phù hợp nhu cầu sức khỏe của từng đàn bò trong trang trại mỗi ngày hai buổi - buổi sáng từ 9- 10 giờ, buổi chiều từ 15- 16giờ.
Và còn lại khu vực 7ha vùng đệm bao quanh trang trại là cánh đồng cỏ voi VA06 quanh năm tươi xanh cành cây ngọn lá, vừa tạo cảnh quan trong lành, vừa chủ động nguồn thức ăn tự cung tự cấp an toàn thực phẩm cho đàn bò.
“Khách tôi” giữ chân khá lâu ở công đoạn sản xuất các mặt hàng thịt bò tươi Kuroge thương phẩm. Nhìn qua bức tường kính trong suốt hàng chục mét vuông, chứng kiến những nhân viên kỹ thuật mặc quần áo bảo hộ trắng tinh, đeo tạp dề xanh như ngọc, đôi bàn tay gọn gàng tuyển chọn, đóng từng phần sản phẩm thịt bò tươi Kuroge gắn nhãn hiệu “thịt bò Kobe Việt Nam”, “khách tôi” cảm thấy thật yên tâm khi đứng ở vị trí người tiêu dùng. Giám đốc Vũ cởi mở: “Trong tiếng Nhật, Kuro nghĩa là đen và Ge nghĩa là lông. Như vậy, Kuroge là tên sản phẩm thịt bò lông đen thương mại của Trang trại bò Kobe Việt Nam. Bò Kuroge được sinh ra bởi bò sữa mẹ giống Holstein Friesian của Hà Lan phối với tinh bò Kobe của Nhật nhập về từ Mỹ. Sau khoảng 32 tháng chăm sóc kỹ lưỡng tại vùng cao nguyên B’Lao dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia người Nhật có kinh nghiệm hơn 40 năm nuôi bò Kobe tại Nhật Bản. Kể từ đây, người Việt Nam bắt đầu được thưởng thức thịt bò Kobe giống Nhật, được nuôi bằng thức ăn chế biến các công thức đặc biệt tại Việt Nam…”
Những thời khắc đón Kobe xứ trà
Đến nay là tháng thứ 10 xuất chuồng cả thảy 10 con bò Kobe xứ trà B’Lao, mỗi con cân nặng từ 750kg trở lên. Chuyển vô khu nhà lạnh giết mổ mỗi tháng 1 con bò Kobe khá êm ái nhờ các thiết bị gây mê nhanh như chớp mắt, trang trại cung cấp cho người tiêu dùng trong nước mỗi tháng ước khoảng 250kg thịt bò Kuroge thương phẩm. Hiện 1kg thịt bò Kuroge ở xứ trà B’Lao với tỷ lệ 50% dòng máu Kobe Nhật, chỉ định mức bán ra từ 50- 150USD. “Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu ngày càng phổ biến người tiêu dùng Việt Nam có thể dễ dàng sử dụng thịt bò Kobe chất lượng siêu cấp sản xuất tại Việt Nam ”- Giám đốc Vũ nói. Tôi lên google, đọc thấy giá 1kg thịt bò Kobe thuần chủng Nhật giao dịch trên thị trường thế giới từ 600USD- 2.000USD - nghĩa là cao hơn giá thịt bò Kobe xứ trà Việt Nam từ 12- 13 lần.
Các công nhân trang trại bò Kobe Việt Nam kể lại rằng, bò Kobe chào đời trên xứ trà B’Lao luôn gặp đông người chờ đón từ những giờ phút ban ngày đến những giờ phút đêm hôm khuya khoắt. Thường trước thời khắc bò con Kobe lọt lòng mẹ, một ê kíp gồm 1 bác sĩ thú y và 2 kỹ thuật viên thường trực đỡ đẻ cho bò mẹ. Nếu ca khó thì huy động thêm nhiều công nhân khác chung tay trợ giúp. “Hầu hết những con bò Kobe chào đời trên đất B’Lao đều theo chiều thai thuận, trong vòng 30 phút thao tác, bác sĩ thú y và nhân viên kỹ thuật trang trại đã đưa ra khỏi bụng bò mẹ, làm đứt rời tự nhiên dây cuốn rốn, mỗi con cân nặng từ 30- 40kg. Cẩn thận lau khô trên thân thể bò con và vệ sinh sạch sẽ bò mẹ. Sau vài tiếng đồng hồ là cho bú sữa mẹ. Đến 4 tháng tuổi chuyển sang tập ăn dặm. Từ 10 tháng tuổi trở đi, bò Kobe ăn uống theo chế độ trưởng thành, mỗi ngày tiếp nhận, tiêu hóa khoảng 20 thành phần chất bổ từ dây chuyền phối trộn của trang trại…”-một công nhân trang trại bò Kobe Việt Nam chia sẻ.
Nhắc tới bò Kobe chào đời xứ trà B’Lao, câu chuyện với Giám đốc Vũ bỗng thêm phần sôi nổi. Nhớ hồi cuối năm 2011, Nguyễn Trí Đức Vũ phải vượt qua bao khó khăn, trăn trở khi quyết định tạm biệt đất nước Nhật Bản - đất nước mặt trời mọc đã cho anh 5 năm học tập lên bậc thạc sĩ và 8 năm công việc ổn định trong một hãng ô tô lớn - để quay về Việt Nam chăn bò Kobe. Bấy giờ trang trại nơi này đang khởi động giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, chủ nhân dự án là các doanh nhân người Việt liên doanh với các chuyên gia nuôi bò Kobe hàng đầu người Nhật cùng mời gọi Vũ giao chức danh giám đốc với chuyến xuất hành “công du” đầu tiên sang Thái Lan chọn mua 50 con bò sữa sinh sản giống Holstein Friesian của Hà Lan.
Từng con bò sữa giống Holstein Friesian bình tuyển nhập cư về xứ trà B’Lao phải nhận biết theo các tiêu chí về cân nặng, hình dáng, bộ lông... Kế tiếp là các bước chăm sóc bò sữa thích nghi dần với vùng thổ nhưỡng, khí hậu đất Nam Tây nguyên xa lạ; rồi cách bảo quản tinh bò giống nhập từ châu Âu, từ Mỹ về; phối tinh thử nghiệm và phối tinh chính thức; đỡ đẽ, chăm bẳm con bò Kobe F1 từ sơ sinh đến thời kỳ sinh sản, cho thịt. Và bây giờ chuẩn bị đón thế hệ bò Kobe F2 gắn với việc đưa sản phẩm bò Kuroge thương mại thâm nhập nhiều hơn đối tượng người tiêu dùng Việt Nam… Nhờ chú tâm học tập, tiếp cận kiến thức thực tiễn từ các chuyên gia người Nhật, vì vậy hôm nay, phần lớn những kỹ năng điều hành và làm nghề trực tiếp chăn nuôi bò Kobe Lâm Đồng, Giám đốc Vũ đều đạt hiệu quả ứng dụng khá cao.
Kuroge giống Kobe Nhật, giá trị Việt
Trăm hay không bằng tay quen, Giám đốc Vũ thực hành cho tôi ghi hình động tác massage bằng đôi bàn tay thành thục trên các vùng u vai, hông, bụng, bắp đùi…khiến con bò thịt Kuroge ước chừng 700kg đứng yên lại, lắc lắc cái đầu thích thú. Phương pháp này nhằm góp phần tạo ra chi chít những đường vân mỡ trong thớ thịt bò Kuroge thương phẩm, giúp người tiêu dùng phân biệt với các loại thịt bò đại trà khác trên toàn cầu.
Giám đốc Vũ còn tiết lộ rằng, 100% con bò thịt Kuroge Nhật F1 ở xứ trà B’Lao qua 4 tháng tuổi đều đưa vào thiến lần lượt để nuôi đạt các chỉ số vỗ béo cả về chất và lượng, tổng cộng hơn 150 con, con cân nặng thấp nhất khoảng 40kg, cao nhất đã lên đến gần 900kg. Gọi đây là giống bò Kuroge Nhật F1 với 50% dòng máu Kobe vì được sinh ra từ kỹ thuật phối tinh bò thuần chủng Kobe mua về từ Mỹ với giống bò sữa Holstein Friesian của Hà Lan thuần dưỡng ở xứ trà B’Lao. Đặc biệt, trang trại còn đang chăm sóc 30 con bò cái Kobe F1 đã phối giống thành công với tinh bò Kobe Nhật thuần chủng, hiện mang thai với dự báo từ 4- 5 tháng tới sẽ sinh nở 30 bò con thế hệ bò Kuroge F2 mang 75% dòng máu Kobe …
 Thêm một một khu chuồng trại sắp được xây dựng mới trong khuôn viên trang trại bò Kobe Việt Nam theo thiết kế của Nhật phục vụ cho bò Kuroge F2 sẽ cư trú từ đầu năm 2017 tới. Giám đốc Vũ thuyết minh cho tôi mắt thấy, tai nghe việc nhân rộng mô hình chuồng trại đang sử dụng tại chỗ gồm: hệ thống giàn trụ sắt dựng lên chiều cao chót vót, bốn bên tường để trống cho thoáng đãng không khí; mái tôn có 2 tầng, cách nhau một khoảng hở ở giữa với chiều cao hơn nửa mét, kéo dài hàng chục mét để đón gió mang đi hết những lượng khí gas hàng ngày tỏa lên từ phân thải. Và dĩ nhiên là không quên các vị trí cố định đường máng đựng thức ăn, các ô vuông gắn loa phát nhạc giao hưởng…
   
Trên nền khúc nhạc giao hưởng cuối cùng trong ngày, Giám đốc Vũ bày tỏ dự định sẽ liên kết đầu tư nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật nhân đàn bò Kuroge F2 cho nông dân xứ trà B’Lao trong vài năm tới. Tôi tô đậm nét chi tiết “chuyển giao, nhân đàn Kuroge F2 ” trong sổ tay của mình và đặt hy vọng về tiềm năng, lợi thế của đất trời cao nguyên B’Lao sẽ phát huy mạnh mẽ, vượt qua mọi giới hạn để định hình và không ngừng phát triển nghề chăn nuôi bò Kobe Nhật Bản mang giá trị Việt Nam…

Bảo Lâm- Đà Lạt cuối tháng 9/2016