VĂN VIỆT
Lâm Đồng đang phát huy những lợi thế so
sánh để mở hướng phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao thành từng vùng tập
trung, vừa nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm thu hoạch, vừa thân thiện với
môi trường.
Giá trị sản xuất đạt đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển hơn 43.000ha diện tích sản
xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó chiếm tỷ lệ khoảng 35% (hơn 15.000ha)
diện tích sản xuất rau, hoa và cây đặc sản. Hiện có đến hàng ngàn doanh nghiệp,
hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình trực tiếp áp dụng các giải pháp kỹ thuật phổ
biến cho sản xuất rau, hoa công nghệ cao trên địa bàn như: sử dụng nguồn giống nhập
về từ các nước có nền nông nghiệp hiện đại hoặc chọn tạo và cấy mô nhân giống chất
lượng cao; xây dựng nhà kính, nhà lưới, phủ màng ni lông; lắp đặt hệ thống tưới
nước, bón phân tự động; vận hành dây chuyền thủy canh hồi lưu; phòng trừ sâu
bệnh bằng các biện pháp canh tác hữu cơ…
Đến nay với các loại rau công nghệ cao, toàn tỉnh Lâm
Đồng đã và đang thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm gồm: GlobalGAP, organik (22ha); VietGAP (720ha); 33
cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng
diện tích gần 202ha. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đang phát triển 50 cơ sở ứng dụng
công nghệ nuôi cấy mô thực vật, hàng năm cung cấp cho người sản xuất khoảng 30
triệu cây giống cấy mô các loại rau, hoa như: khoai tây, dâu tây, cúc, cẩm
chướng, đồng tiền, hoa lan, salem…Ngoài ra còn có nhiều công ty và vườn ươm tư
nhân trong tỉnh Lâm Đồng đạt sản lượng xuất khẩu giống hoa, cây kiểng cấy mô sang
châu Âu hơn 10 triệu cây /năm…
Với những kết quả đáng kể trong việc sản xuất rau
GlobalGAP ở Lâm Đồng, Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P. đã được Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp theo
về sản xuất hoa giá trị cao, Lâm Đồng còn nổi lên 4 doanh nghiệp được Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận doanh nghiệp nông nghiệp
công nghệ cao gồm: Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty
Agri VINA, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Hoàng và Công ty TNHH
Langbiang Farm.
Đánh giá về những bước tiến của sản xuất rau, hoa công
nghệ cao của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Lâm Đồng nhấn mạnh: “ Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên
đất đai, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển các loại
rau, hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Đồng thời là địa phương
thu hút nguồn vốn FDI trong nông nghiệp khá lớn, tạo cơ hội cho nông dân tiếp
cận và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất…” Theo đó, tính chung
giá sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt trên 30% giá trị sản xuất
toàn ngành. Đặc biệt, năng suất cây trồng áp dụng công nghệ cao nói chung, cây
rau và hoa nói riêng đã tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu. Cụ thể hiện
tại, giá trị sản xuất bình quân mỗi năm của các loại rau công nghệ cao đạt 450-
500 triệu đồng/ha; hoa công nghệ cao đạt 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Xây dựng 7 vùng rau, 3 vùng hoa công
nghệ cao
Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông
Quốc gia nhận định: “Lâm Đồng là một địa phương đi đầu trong cả nước về sản
xuất rau, hoa công nghệ cao, góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao giá
trị thu nhập và năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong thời
gian tới, Lâm Đồng cần mở rộng quy mô sản xuất tập trung theo quy hoạch, đồng
thời xây dựng các mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch bảo
quản và tiêu thụ ổn định…” Theo định hướng này, đến năm 2020, Lâm Đồng xây dựng
và phát triển sản xuất công nghệ cao đến 7 vùng rau trên các địa bàn Đà Lạt,
Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, cùng 3 vùng hoa là Vạn Thành, Hà Đông và Thái
Phiên.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng và lợi
thế so sánh trên từng vùng rau, hoa công nghệ cao, Lâm Đồng tiến hành rà soát
lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để tăng cường thu hút
đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước. Tập trung đầu tư các dự án Khu
Công nghiệp nông nghiệp, Trung tâm Sau thu hoạch rau, Trung tâm Giao dịch hoa, xúc
tiến hoạt động du lịch nông nghiệp…Mục tiêu trước mắt đến năm 2020 phải đạt
được những diện tích sản xuất công nghệ cao tập trung gồm: 15.433ha rau, 2.720ha
hoa, 515ha cây đặc sản và cây dược liệu./.
THÁNG 9/2016