Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Phúc bồn tử ở độ cao 1.500m

VĂN VIỆT
Với nguồn cây giống phúc bồn tử đầu dòng ở  vùng đất Đức Trọng có độ cao khoảng 1.000m, nhiều hộ nông dân ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương đã đưa lên trồng, chăm sóc ở độ cao 1.500m, bước đầu đã thu về lợi nhuận.   

Đầu những năm 2000, Công ty Agropac đã đưa cây phúc bồn tử từ Pháp về trồng thành công trên vùng đất xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương rồi sau đó chuyển giao cho nông dân xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng sản xuất theo hướng công nghệ cao cho đến ngày nay. Theo các tài liệu đã được công bố trên thế giới, đây là một loài cây dược liệu quý, thuộc dạng thực phẩm chức năng, giúp cơ thể con người đề kháng các bệnh tim mạch, tăng cường trí nhớ, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư…Qua nghiên cứu của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Cây phúc bồn tử có nguồn gốc hoang dại ở vùng núi Mount Ida thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, thường sinh trưởng tốt nhất trong biên độ nhiệt từ 21- 26 độ, nên khi đã trồng thích hợp ở vùng đất Đức Trọng (nhiệt độ trung bình 21 độ C), thì có thể mở rộng lên vùng đất Lạc Dương (nhiệt độ dao động 18 – 22 độ C). Trên cơ sở phân tích như vậy, vào tháng 4/2013, Trung tâm triển khai xây dựng 3 mô hình trồng phúc bồn tử chất lượng cao với diện tích 2.000m² tại thị trấn Lạc Dương cho 3 hộ gia đình. Trồng trong nhà kính có hệ thống tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt. Cây giống chọn lọc từ 30 – 45 ngày tuổi. Mật độ trồng 1.500 cây/1.000m².
Sau 1 tháng chăm sóc kỹ thuật cao, phúc bồn tử đạt tỷ lệ cây sống từ 95 – 96% ở mô hình thứ 2 và thứ 3 (mỗi mô hình 500m²). Riêng mô hình thứ 1 (1.000m²) tỷ lệ sống đạt 83,3% vì một phần số lượng cây giống trên đường vận chuyển về trồng bị gãy dập; số lượng khác do tưới quá nhiều nước, khiến nấm bệnh xâm nhập gây thối rễ. Những tháng tiếp theo, cây mới được trồng bổ sung vào những cây cũ đã chết, đồng thời tưới nước vừa đủ, bón phân đúng cách, cây mẹ khi phát triển chiều cao gần 1m là bắt đầu ra hoa và  “sinh sôi” từng “đàn cây con” dưới gốc. Trong các giai đoạn sinh trưởng của cây phúc bồn tử ở đây, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã cùng với chủ hộ mô hình thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh hàng ngày. Những bệnh dịch hại đã phát hiện và phòng trừ kịp thời như gỉ sắt, phấn trắng, sâu xanh, sâu xám, nhện đỏ, rệp…nên không để xảy ra phát tán trên diện rộng. Đến nay, các biện pháp phòng trừ hữu hiệu dịch hại tổng hợp trên cây phúc bồn tử ở Lạc Dương vẫn tiếp tục áp dụng gồm: tỉa bỏ những cành cây yếu ớt, cành cây sâu bệnh, tạo độ thông thoáng chung trên từng luống cây và trên cả khu vườn; tiến hành bón phân cân đối, bơm phun các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị…
Từ 100 ngày tuổi trở đi, cây phúc bồn tử ở Lạc Dương bắt đầu thu hoạch trái bói ở tháng đầu tiên và thu rộ ở tháng thứ 2 trở đi; uớc tính tổng sản lượng cả năm vừa qua là gần 1,1 tấn/1.000m². Nhân với 100 ngàn đồng/kg theo thời giá cuối năm 2013, doanh thu là 110 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí về nguồn giống, công lao động, vật tư phân bón…còn lại thu về lãi ròng 40 triệu đồng. Đến cuối tháng 11/2014, giá bán phúc bồn tử tăng lên 200ngàn đồng/kg, tại vườn mô hình 1.000m² của hộ ông Nguyễn Đình Nhạc đã nhân đôi số lãi hơn 80 triệu đồng. Ông Nhạc cho biết, sản lượng phúc bồn tử trên 1.000m² của hộ gia đình mình đang có chiều hướng tăng vào những tháng cuối năm 2014, dự kiến bước sang năm 2015 trở đi, sẽ đạt từ 1,5 tấn trở lên mỗi năm. Hiện tại, trên diện tích 1.200m² tọa lạc liền kề diện tích 1.000m² mô hình vừa nêu, hộ ông Nhạc đang thu hoạch những lứa rau ngoài trời cuối cùng để cải tạo lại đất, xây dựng mới nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, nhằm chuẩn bị trồng mới toàn bộ cây phúc bồn tử.    
Thống kê sơ bộ đến nay, ở 3 vùng đất Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương của Lâm Đồng chỉ mới phát triển khoảng 05ha trồng cây phúc bồn tử nhà kính công nghệ cao. Đây là số diện tích còn quá khiêm tốn so với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm phúc bồn tử tươi và phúc bồn tử chế biến của thị trường trong nước hiện nay. Tuy nhiên để trồng mới  1.000m² nhà kính phúc bồn tử, phải cần nguồn vốn xây dựng cơ bản ban đầu ( nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, cây giống…) trên dưới 150 triệu đồng, một khoản tiền đầu tư không phải nhà nông nào cũng có thể xoay xở một sớm, một chiều được. Bởi vậy, cần có những nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để sớm mở rộng những vùng chuyên cây phúc bồn tử đang có nhiều lợi thế cạnh tranh của Lâm Đồng./.
THANG 11/2014