VĂN VIỆT
Càng về cuối năm, những triền đồi “cà
phê nước trời” arabica ở xã Đạ Chais, Lạc Dương càng “phát lộ” những cành cây
trĩu quả, dự báo một mùa tăng sản lượng thu hoạch nhờ nâng cấp bởi các giải
pháp khoa học, kỹ thuật mới.
Về xã Đạ Chais, Lạc Dương đầu tháng 11/2014, dừng chân
bên khu vườn đồi cà phê của hộ gia đình chị Ka Thu ở thôn Tu Póh, chúng tôi
được cảm nhận rõ nét sự đổi thay. Trên 1,5 ha “cà phê nước trời ” arabica của hộ
gia đình Ka Thu và của hộ gia đình con rể, sau một năm làm đúng theo quy trình
thâm canh mới của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương, tỷ lệ cà phê đậu quả
trên cành nhiều hơn và đều đặn hơn năm ngoái. Ka Thu chia sẻ: “ Đất trồng cà
phê ở thôn Tu Póh, Đạ Chais không có con suối chảy qua để bắc ống tưới nước vào
từng gốc cây được. Cây phải sống bằng nước trời mưa. Từ đầu năm 2014 đến nay, qua
hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương, hộ gia
đình tôi và hộ gia đình con rể đã học tập và làm theo cách tỉa cành, làm cỏ,
bón phân mới. Nay cây cà phê phát triển tốt, chắc chắn sẽ thu hái, thu bán được
gấp nhiều lần những mùa trước….” Anh
Hoàng Văn Hãnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương, ước lượng
năng suất cà phê arabica niên vụ 2014 - 2015 của hộ gia đình chị Ka Thu đạt từ
2,5- 3 tấn nhân/ha. Trong khi niên vụ cùng kỳ năm ngoái, cũng trên 01ha đất cà
phê này, chị Ka Thu chỉ thu được vài trăm ký hạt nhân.
Kể lại cho vụ mùa “cà phê nước trời” thất bát năm
ngoái, theo chị Ka Thu do chăm sóc theo kinh nghiệm thông thường của nông dân
trong xã Đạ Chais, Lạc Dương. Rằng, thấy cỏ lên xanh là cầm cuốc ra vườn đào
xới cho sạch sẽ; lúc trời mưa xuống liền đem phân ra đổ xuống dưới gốc cây; nếu
cành nhánh dày kín thì cứ cầm dao rựa ra chặt tỉa cho thưa thớt. Hoặc khi thấy
sâu bệnh gây khô cành, héo lá thì cứ bơm phun thuốc bảo vệ thực vật theo “kê
đơn bốc thuốc” từ người bán. Rồi khi thương lái đến thuyết phục mua trái cà phê
mới chớm xanh già trên cành cũng nhanh chóng gật đầu tuốt hái bán luôn…Nắm bắt
thực trạng này, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương đã chọn gia đình chị Ka
Thu là một trong những hộ gia đình ở xã Đạ Chais, Lạc Dương để triển khai mô
hình nâng cấp “cà phê nước trời” arabica với các điều kiện đã hội đủ như: có đủ
số lao động tham gia học tập và thực hành kỹ thuật mới trên cây cà phê; diện
tích vườn cà phê nâng cấp nằm ở vị trí mặt đường Tỉnh lộ 723, thuận tiện cho
việc tổ chức hội thảo đầu bờ, thu hút số đông hộ nông dân quanh vùng tham gia...
Với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới bằng phương
pháp kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành sản xuất, Trung tâm Nông nghiệp huyện
Lạc Dương đã xây dựng khép kín các công đoạn nâng cấp vườn cà phê của chị Ka
Thu gồm: tỉa bỏ những cành chồi vượt, tập trung chăm sóc, tạo tán từ những cành
nhánh “khỏe mạnh” để kích thích ra hoa đậu trái; tăng lượng phân bón từ 2 đợt lên
3 đợt trong năm, phù hợp với từng thời điểm mưa- nắng; đảm bảo giữ ẩm cho gốc
cây cà phê trong những ngày mùa khô và thoát nước nhanh trong những ngày mùa
mưa; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều
lượng và đúng cách); thu hoạch trái cà phê khi đã đủ độ chín…Dẫn chứng cụ thể, chị
Ka Thu cho biết: “ Nhà nước đã cho 18 bao phân NPK, 40 bao phân vi sinh ( trọng
lượng 50kg/bao), gia đình chúng tôi đã bón thúc thành 3 đợt vào tháng 4, tháng
8 và tháng 9. Thường bón phân sau những ngày mưa to, bón xung quanh gốc cây cà
phê và san lấp một lớp đất vừa đủ phủ lên trên…”
Trưởng thôn Tu Póh, xã Đạ Chais, Lạc Dương, Ông Kơ Sa
Ha Thương thống kê toàn thôn có gần 20 hộ nông dân sản xuất gần 30ha “cà phê
nước trời” từ năm 2005 đến nay. Trước đây những diện tích đất này, nông dân chỉ
trồng tỉa bắp, đậu và các cây hoa màu
khác, giá trị kinh tế rất thấp kém. Cây cà phê arabica về định canh ở đây bởi
nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu của quốc gia và của địa phương
Lâm Đồng. Trong năm 2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương về thôn Tu Póh
tổ chức dạy nghề tập trung, chuyển giao các phương pháp kỹ thuật mới về thâm
canh, trên từng vườn cà phê đã và đang được nâng cấp, tình trạng bán trái xanh
đã hạn chế xuống mức thấp nhất. Năm mới 2015, vụ mùa cà phê arabica mới đang
đến gần, tiếp tục sẽ có thêm nhiều hộ nông dân thôn Tu Póh được thoát nghèo./.
THÁNG 11/2014