Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Dâu tằm sẽ “chiếm ngôi” cà phê ở Lâm Hà ?

VĂN VIỆT
Nông dân các xã Liên Hà, Hoài Đức và Đông Thanh của huyện Lâm Hà đã đưa cây dâu tằm “chiếm ngôi” cây cà phê với thu nhập cao nhất trong các loại cây công nghiệp dài ngày. Đây là “lời giải” của hơn 3 năm chuyển giao nguồn giống dâu cao sản, ứng dụng kỹ thuật mới nuôi tằm gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tơ kén ở địa phương.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng cho thấy: Đông Thanh và Hoài Đức là 2 xã đang giữ lại những diện tích trồng dâu nuôi tằm giống cũ ở huyện Lâm Hà, chiếm khoảng 33% tỷ lệ diện tích cây dâu hơn 10 năm tuổi; tỷ lệ còn lại gồm diện tích cây dâu dưới 5 năm tuổi. Riêng địa bàn xã Liên Hà không có diện tích cây dâu hơn 5 năm tuổi. Qua điều tra trên 90 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm ở 3 xã này, chiếm khoảng hơn 62% số hộ gia đình chuyên canh từ 0,2- 0,5ha/hộ; trong khi tỷ lệ mỗi hộ trồng dưới 0,2ha, từ 0,5- 1ha đến trên 01ha chiếm lần lượt là 21%, gần 16% và hơn 1%. Có 3 giống dâu chính đang canh tác ở đây với những “đặc tính” khác nhau như: giống dâu bầu đen, bầu xanh của địa phương ( chiếm 82%) thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng Lâm Hà, nhưng năng suất thấp vì kích thước lá nhỏ; giống sa nhị luân, quế ưu của Trung Quốc (chiếm 11,4%), năng suất thường giảm xuống đột ngột giữa mùa mưa, khả năng chống bệnh gỉ sắt, bệnh bạc thau rất kém; giống S7- CB và VA- 201 là 2 giống mới do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng chọn tạo, đã sinh trưởng khá tốt trong mùa mưa, đạt năng suất cao (nhưng diện tích chỉ chiếm 6,6%)…
Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, về giống tằm đang nuôi ở 3 xã Hoài Đức, Liên Hà và Đông Thanh của huyện Lâm Hà chiếm 81% nguồn gốc từ Trung Quốc, chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch, dịch bệnh rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng liều lượng và thời điểm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lá dâu cho tằm ăn kéo kén. Thu hoạch lá dâu đạt năng suất bình quân từ 10- 12 tấn/ha/năm, tương đương sản lượng 800- 1.000kg kén. Nhân lên giá kén 120.000 đồng/kg, thì trên 01 ha dâu sản xuất đạt tổng giá trị từ 96- 120 triệu đồng/năm - thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất và trình độ canh tác của người nông dân.
Từ tháng 7 năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã bắt đầu chuyển giao kỹ thuật cho 200 hộ nông dân ở 3 xã Hoài Đức, Liên Hà, Đông Thanh của huyện Lâm Hà trồng giống cây dâu cao sản mới là S7-CB và VA- 201 trên 35 ha và cải tạo 25 ha diện tích dâu giống cũ ở địa phương. Việc chuyển giao nằm trong Dự án “ Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà ” do UBND huyện Lâm Hà chủ trì. Với quy trình kỹ thuật mới được triển khai từ công đoạn làm đất, xuống giống đến chăm sóc tưới nước, bón phân, bơm thuốc bảo vệ thực vật… sau 3 năm, năng suất lá dâu S7-CB và VA- 201 đạt hơn 20 tấn/ha/năm ( tăng hơn giống dâu cũ từ 8- 10 tấn/ha/năm). Đồng thời, Trung tâm đã tiến hành cải tạo 25ha cây dâu giống cũ của địa phương bằng các biện pháp cày xới đất, tạo môi trường thông thoáng, bón phân cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, tưới đủ nước, sử dụng đúng và đủ thuốc bảo vệ thực vật…đã mang lại thu hoạch lá dâu đạt 15 tấn/ha/năm, tăng gần 38% so với phương pháp sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã chuyển giao cho nông dân về kỹ thuật điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, hái lá dâu…để nuôi tằm con tập trung với 6.000 hộp trứng tằm; chuyển nuôi tằm trên nong sang nuôi trên nền nhà với 600 hộp, sản lượng kén tăng mỗi hộp từ 43kg lên 46kg, tiết kiệm mỗi hộp tằm nuôi khoảng 50kg lá dâu, lợi nhuận tăng thêm gần 33%... Cộng với 5.400 hộp tằm lớn nuôi theo phương pháp truyền thống, Dự án đã tiêu thụ giá cao cho nông dân khoảng 270 tấn kén thông qua hợp đồng liên kết với cơ sở ươm tơ Ba Minh hoạt động trên địa bàn huyện Lâm Hà. 
Thạc sĩ Nguyễn Đức Dũng, nghiên cứu viên chính của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã đưa ra đáp số: So với năng suất và mặt bằng giá cà phê và giá chè cành trong cùng thời điểm 3 năm vừa qua, thì trên 01 ha mỗi năm trồng dâu nuôi tằm giống mới ở Lâm Hà bằng các biện pháp kỹ thuật nêu trên, đã thu lợi nhuận cao hơn lần lượt từ 2,28 đến 2,71 lần. Dự kiến đến năm 2020, diện tích dâu tằm của huyện Lâm Hà sẽ phát triển lên 3.000ha (đến cuối năm 2014 khoảng hơn 1.800ha) - tính ra chỉ mới bằng 13% diện tích cà phê. Tuy nhiên trước lợi nhuận bứt phá “chiếm ngôi” cà phê vừa nêu, cây dâu tằm đang đặt ra cho các cấp, ngành chức năng trong việc tái cơ cấu các loại cây trồng chủ lực phù hợp hơn ở Lâm Hà./.
THÁNG 11/2014