Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Mênh mang phù sa tháng mười

VĂN VIỆT
Qua song kính xe chạy đều trên cầu Rạch Miễu, dòng sông Tiền mênh mang một dải phù sa nhuộm vàng - nối đôi bờ xứ dừa Bến Tre với xứ vú sữa Tiền Giang – tôi mới nhận ra bây giờ là tháng mười, tháng của miền Tây con nước đang lên.

Nhiều lần làm lữ khách về miền Tây, đi trên nhiều phương tiện qua đường bộ, đường sông rồi đường biển đều cho tôi những ấn tượng đặc biệt thân quen mà xao động lạ thường trước không gian bao la của đất trời. Lần này, tôi được lần theo bờ sông Tiền và dừng chân ngưỡng vọng tượng đài người Anh hùng áo vải Tây Sơn, Nguyễn Huệ uy dũng tuốt gươm giữa Vàm Rạch Gầm- Xoài Mút. Bên phải là tượng một binh sĩ giương căng cung tên, bên trái là tượng người dân chài vững vàng tay chèo thuyền - hợp thành biểu tượng sức mạnh của tướng sĩ với người dân một lòng bền chặt. Nhìn lại đã gần hai mươi hai thập niên đi qua, trận thủy chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược của quân và dân ta dưới sự chỉ huy tài ba, thao lược của Anh hùng Nguyễn Huệ luôn mãi mãi chói ngời trang sử tự hào của vùng đất Tiền Giang nói riêng, của đất Việt mêu yêu nói chung. Cô hướng dẫn viên xinh đẹp người địa phương Tiền Giang cho biết, Khu Di tích Rạch Gầm- Xoài Mút được xây dựng và khánh thành mới vào đầu năm 2005 - nhân kỷ niệm 220 chiến thắng quân Xiêm. Cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 10km, Khu Di tích tọa lạc trên khuôn viên rộng trên 02 ha, có các khu vực trưng bày hàng trăm hiện vật vũ khí, chiến thuyền, các đồ dùng sinh hoạt…của nghĩa quân Tây Sơn và nhiều loại hiện vật khác của quân Xiêm. Ngoài ra, Khu Di tích còn phục dựng một căn nhà cổ, mái ngói âm dương, bên trong có gần 50 cột gỗ, giúp người xem hình dung một phần cuộc sống của người dân phú nông Nam Bộ xưa.
Bên cạnh Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút nằm trên lưu vực hướng Tây, dòng sông Vàm Cỏ đã ghi thêm Khu Di tích “Lửa hồng Nhật Tảo” đối diện về hướng Đông. Một ngày dịu nắng tháng mười, tôi đặt chân đến đây và được trở về với những dòng sử vàng của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu Hy Vọng của thực dân Pháp vào năm 1861 – kế tiếp sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ khoảng 76 năm. Mưu trí và gan dạ, 150 nghĩa quân của Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã triển khai đội hình chiến đấu “trên bến dưới thuyền”, bất ngờ xông lên đốt cháy tiêu diệt chiến hạm Hy Vọng của quân xâm lược Pháp trên dòng sông Nhật Tảo - dòng sông chảy qua một ngả ba sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày nay.
Dọc theo triền bờ Vàm Cỏ Tây, tôi đến Bến Tre lưu lại một ngày đêm bên nhánh sông Hàm Luông giữa bạt ngàn rừng dừa xanh thẫm. Những dòng phù sa tháng mười như bồi bổ thêm vị ngọt thanh của nước dừa, của kẹo dừa; của vị thơm đậm đà từ món cá bống dừa kho…mà chỉ Bến Tre mới có. Từ Bến Tre đi thêm nữa, dòng phù sa sông Tiền tháng mười đã đưa những luồng cá linh qua các vùng đất An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh…trở thành những sản vật chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, không thể thiếu với thực khách bốn phương về đây du ngoạn mùa nước nổi. Một đồng nghiệp miền Tây cho biết, mùa cá linh thường mang đến thu nhập đáng kể hàng năm cho người dân, có những chiếc thuyền máy của hộ dân đánh bắt lên đến cả trăm ký mỗi ngày. Theo luồng nước chảy, người dân đặt đáy, thả giăng lưới…“đón nhận” cá linh đầu mùa vào tháng 8 và cuối mùa vào tháng 12. Cá linh đầu mùa chỉ nhỏ bằng chiếc tăm, đến cuối mùa có thể lớn lên bằng hai, ba ngón tay chụm lại. Nên đã có câu đố vui như biết trước lời giải của người miền Tây là:  “Đố ai biết cá gì đang lớn. Đẻ xanh dòng đặc sản miền Tây ?!” Tháng mười mùa phù sa nước nổi miền Tây cũng là mùa hoa điên điển rực vàng khắp bến sông. Hoa điên điển nấu canh chua với cá linh không chỉ là món ăn lạ miệng mà luôn tạo cảm giác ấm áp tình thân cho người dân bản địa và cho lữ khách quây quần bên nhau. Khi nâng chén rượu nồng giữa không khí này, người miền Tây thường hào sảng với câu gieo vần quen thuộc: “Canh chua điên điển cá linh. Ăn chỉ một mình thì chẳng thấy ngon…”
Về Tiền Giang tháng mười, tôi chưa ghé được vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn của 13 xã thuộc huyện Châu Thành nổi tiếng ngọt lành từ trong và ngoài nước. Và dù vẫn hẹn ngày xuôi dòng nước nổi sông Tiền đi về biển biếc, trong tôi bất chợt mênh mang một phần hoài niệm riêng mình sau mấy dòng thơ của một tác giả xứ Gò Công: “Ước chi anh như đám dừa xanh cuối sông Vàm Cỏ. Như rặng trâm bầu đón gió Cửu Long… ”./.    
THANG 10/2014