Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Tìm cách khử trùng an toàn cho đất nông nghiệp

VĂN VIỆT
Từ ngày 01/01/2015, vùng nông nghiệp Lâm Đồng phải loại trừ hoàn toàn thuốc Methyl Bromide xông hơi, khử trùng trong sản xuất các loại rau, hoa… theo cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Nghị định thư Montreal của Liên Hiệp Quốc về chống suy giảm tầng ôzôn. Thay thế cho Methyl Bromide, người sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng đã và đang tích cực tìm các biện pháp khác nhau để vừa bảo vệ sự an toàn hơn cho đất, vừa nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng.  

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, vùng nông nghiệp Lâm Đồng hiện đang canh tác đa dạng các chủng loại rau, hoa kèm theo với những diễn biến dịch hại ngày càng phức tạp, trong đó có xuất hiện nhiều loại bệnh hại rất khó lường trước để phòng trừ kịp thời như tuyến trùng, nấm Fusarium sp phá hoại bộ rễ … Trong một thời gian dài, các loại cây trồng chủ lực như hoa cát tường, cẩm chướng, đồng tiền; hoa cúc; dâu tây; rau thuộc họ thập tự…:thường xuyên nhiễm các loại bệnh sưng rễ, thối rễ, héo rũ, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch bị ảnh hưởng không nhỏ. Để trừ diệt những mầm bệnh “kinh niên” này, người sản xuất nông nghiệp Lâm Đồng đã tìm đến thuốc Methyl Bromide để dùng xông hơi, khử trùng cho đất trước khi xuống giống gieo trồng các loại rau, hoa…Thống kê từ năm 2012 – 2014, vùng rau, hoa Lâm Đồng có hơn 453ha đất phải xử lý sạch bệnh với gần 232.000kg thuốc Methyl Bromide, trong đó chiếm tỷ lệ 60% diện tích đất sử dụng của các doanh nghiệp như: Trang trại Langbiang Farm, các công ty Bonifarm, Florama Việt Nam, Agrivina, Á Châu…Còn lại tỷ lệ 40% diện tích đất sử dụng của quy mô hộ gia đình nông dân Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương…Lượng Methyl Bromide xông hơi, khử trùng nhiều nhất là từ 70- 75kg trên mỗi sào diện tích đất trước đó đã nhiễm nặng bệnh thối rễ cây trồng do nấm Fusarium sp tấn công…
Qua khảo sát của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ở vùng sản xuất Đà Lạt sử dụng 3 loại thuốc Methyl Bromide gồm Bromine- Gas 98%, Bromine – Gas 100% và Dowfome 98%, kết quả đã “đánh nhanh, diệt gọn” các loại sâu bệnh vừa nêu và kể cả những mầm chồi cỏ dại nằm sâu dưới mặt đất từ 40- 50cm. Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc Methyl Bromide là thuộc nhóm độc 1, nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật có ích trong đất, đồng thời chất độc có thể “dẫn lưu” theo nước tưới lên trên lớp bề mặt của đất, phát tán ra không gian môi trường, góp phần làm tăng nguy cơ suy giảm tầng ôzôn có chức năng ngăn cản các tia cực tím có hại từ mặt trời. Riêng ở vùng chuyên canh hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận, người sản xuất đã và đang thực hành nhiều cách xông hơi, khử trùng cho đất mà không cần phải dùng thuốc Methyl Bromide vẫn mang lại những hiệu quả đáng quan tâm. Như biện pháp đơn giản nhất là sau thu hoạch để đất hoang hóa một thời gian, hoặc tiếp tục sản xuất luân canh, chọn các loại giống cây có khả năng kháng bệnh cao. Phổ biến hơn, người sản xuất cũng đã sử dụng hình thức xông hơi sinh học theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng. Theo đó, để phòng trừ bệnh tuyến trùng và bệnh nấm Fusarium sp lây lan trong đất, bằng cách phối trộn hỗn hợp gồm phân bò đã hoai mục, vôi bột và 2 chế phẩm sinh học là Saponin và Trichoderma để bón đều trên bề mặt đất vườn, sau đó cày đảo nhiều lần, tưới nước đủ giữ độ ẩm rồi phủ kín màng nilon trong vòng 7 ngày trước khi xuống giống gieo trồng vụ hoa cúc và hoa lily mới. 
Riêng khi xông hơi trồng cây rau bắp cải thì sử dụng loại thuốc sinh học có tên là Flusufamide (Nebijin 0.3DP) kết hợp với việc bố trí các hệ thống bẫy dẫn dụ côn trùng gây hại. Bên cạnh đó, đã có doanh nghiệp sản xuất hoa quy mô ở Lâm Đồng áp dụng phương pháp khử trùng bằng nhiệt thông qua hệ thống phủ tấm bạt mỏng dẻo, trong suốt trên đất từ 1- 2 tháng... Ngoài ra, thay vì dùng thuốc Methyl Bromide, nông dân Lâm Đồng cũng sử dụng các loại thuốc hóa học như Dazomet, Metam sodium và các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ khác nằm danh mục …
Đánh giá chung cho thấy, những biện pháp khử trùng đất thay thế thuốc Methyl Bromide nói trên – dẫu mang lại những hiệu quả đáng kể, nhưng vẫn chưa thực sự “hoàn hảo”, vẫn còn bộ lộ nhiều hạn chế như: phải đầu tư nhiều nguồn vốn, phải qua quá nhiều công đoạn phối trộn chế phẩm với các vật tư phân bón khác, còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời ở mùa khô….Bởi vậy, ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp Lâm Đồng vẫn phải tiếp tục triển khai nghiên cứu, khảo nghiệm một cách đồng bộ, chuyên sâu để xây dựng một quy trình khử trùng đất được hoàn thiện hơn…/.
THÁNG 11/2014