Bút ký VĂN VIỆT
Cầm trên tay một khay bắp hạt, bà Trần
Thị Sạ bước ra bên hiên nhà dưới gọi “lộc, lộc, lộc...”, cả chục chú hươu mới
trưởng thành chạy ùa ra trước sân chuồng đón mừng một bữa trưa thường nhật. Bỗng
có khách lạ vào tham quan, chúng ngơ ngác chạy lùi ra xa. Bà Sạ kể: “ Hồi mới
đưa về xã Tân Hà, huyện Lâm Hà này, nuôi nhốt hai chục con hươu (còn gọi là con
lộc) trong chuồng nhà mãi đến mấy tháng sau, chúng mới quen dần tiếng gọi, tiếng
chân đi của chủ nhà… ”
…Nhớ lúc khó nghèo
Sau một hồi lâu “mai phục” một chỗ mới ghi được những
tấm hình cận cảnh đàn hươu, tôi được ông Lê Xuân Trường (chồng bà Sạ) mời vào
trong phòng khách sang trọng để thưởng thức ly rượu lộc nhung “cây nhà lá
vườn”. “Không giấu gì anh, căn nhà rộng gần 150 mét vuông, xây hết khoảng nửa
tỷ đồng từ tiền bán nhung hươu một năm. Định cư nơi xã Tân Hà, huyện Lâm Hà từ 30
năm trở về trước, gia đình chúng tôi chỉ có khả năng dựng lên căn nhà gỗ…”- ông
Trường tâm sự, hồi tưởng lại những ngày đầu đến đất Lâm Hà trước rừng núi hoang
vu, quanh năm quần quật vỡ đất chỉ mong giải quyết đủ lương thực cho cuộc sống gia
đình. Theo thời gian, những đứa con khôn lớn trưởng thành trên vùng đất mới,
nhu cầu cơm ăn, áo mặc, học hành càng đòi hỏi nhiều hơn, vợ chồng ông Trường – bà
Sạ lại thêm những đêm trằn trọc tìm hướng vượt nghèo…
Nhưng điều cấp thiết là phải biết trồng cây gì, nuôi
con gì, làm nghề nông nhàn như thế nào để vừa phù hợp với điều kiện của hộ gia
đình, vừa thích ứng với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất mới Lâm Hà ? Suy
tính mãi rồi cuối cùng, ông Trường và vợ cũng đi đến quyết định chọn cây cà phê
làm cây “cốt lõi” bên cạnh các loại cây hoa màu ngắn ngày khác. Đồng thời gắn
chăn nuôi heo, gà với việc bố trí thời gian làm nghề rèn nông cụ truyền thống của
gia đình và làm công nhân ở một lò gạch mới hoạt động trong xã. Cuộc sống trang
trải qua ngày để cố gắng tích lũy một số vốn liếng, mở rộng từng phần diện tích
đất trồng trọt, từng phần ô chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm lâu dài.
Bước qua
những năm 2000, người con trai lớn Lê Xuân Sinh bắt đầu xa nhà, khăn gói lên
tỉnh (Đà Lạt) làm sinh viên ngành sư phạm. “Tội nghiệp cháu nó (nói về Sinh)
lắm ! Bố- Mẹ chỉ cố gắng chu cấp một năm học đầu tiên; mấy năm còn lại tự kiếm
việc làm thêm, ra trường nhận tấm bằng tốt nghiệp đúng ngày đúng tháng. May mắn
là cháu được tuyển dụng vào dạy học ở Trường Phổ thông cơ sở xã Tân Hà, huyện
Lâm Hà nên ở gần nhà ….”- bà Sạ xúc động nối tiếp câu chuyện: “Lúc ấy, tôi và
ổng (nói về người chồng- ông Trường) đâu có bao giờ nghĩ rằng từ nghề thầy
giáo, con trai Lê Xuân Sinh của vợ chồng tôi lại trở thành người quản lý nhiều trang
trại trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng với khoảng 200 con hươu như bây giờ… ”
30 ngày “tầm hươu”
Đã hơn 2 năm, Lê Xuân Sinh dành riêng trại hươu 40 con
ở ngã ba Đường Thông, thôn Đan Phượng 1, xã Tân Hà, Lâm Hà cho Bố- Mẹ trực tiếp
chăm sóc. Phần Sinh đã lên Đà Lạt định cư, hàng ngày “a lô từ xa” để tiếp nhận
thông tin sinh trưởng của những đàn hươu từ các trại chăn nuôi khác nhau như:
Trại hươu Khu Dã chiến (phường 11, Đà Lạt, 10 con), trại hươu xã Pró và xã Ka
Đô (Đơn Dương, cả thảy 20 con) và một trại hươu gồm 15 con ở huyện Châu Thành,
tỉnh Tiền Giang. Chưa kể, Sinh còn đang làm công việc “kỹ thuật viên lưu động”, không chỉ trực tiếp hướng
dẫn các quy trình nuôi dưỡng hươu, mà còn trực tiếp “ra tay” cưa cắt lộc nhung
thu hoạch sao cho thật nhanh, gọn, an toàn cho nhiều “vệ tinh ” với hơn trăm
con hươu ớn, nhỏ ở các huyện, thành phía Bắc Lâm Đồng.
Một ngày gần trưa tháng 11/2014, Sinh đưa tôi đến bên lưng
đồi Khu Dã chiến, phường 11, Đà Lạt để “mục sở thị” đàn hươu da thịt căng tròn.
Mở cửa chuồng, Sinh cầm một bó cỏ voi, một nắm rau củ, quả Đà Lạt gọi “lộc,
lộc, lộc…”, lập tức hồi đáp lại tiếng hươu khua chân trên cỏ rào rào “chào người
quen”. Sinh cho biết, đây là giống hươu có “bản quán” từ một vùng quê xứ nóng
thuộc Bắc miền Trung, đưa lên xứ lạnh Đà Lạt tiếp tục thuần dưỡng hơn nửa năm vừa
qua, đến nay “cuộc sống” của chúng cơ bản thích nghi, không còn nhiễm các bệnh
“hắt hơi, sổ mũi” lặt vặt nữa. Đã có 04 chú hươu đực “dâng hiến” 04 cặp lộc
nhung cho khách phương xa, mỗi cặp cân nặng từ 0,4 – 0,5kg, bán theo “alô đặt
hàng” giá 20 triệu đồng/kg. “ Những ngày kế tiếp, nhiều cuộc “alô” khen tấm tắc
lộc nhung hươu Đà Lạt có hương vị ngòn ngọt khác biệt, chắc là nhờ dinh dưỡng chuyển
hóa, cô đặc lại tinh chất từ thức ăn rau, củ của xứ lạnh….”- Sinh nhận định.
Nếu “truy nguyên” nguồn gốc thì hươu đang nuôi ở
phường 11, Đà Lạt nói trên là con giống hươu sinh sản từ Tân Hà, Lâm Hà, chỉ thay
đổi môi trường chăn nuôi chênh lệch độ cao “cộng- trừ” 500m. Còn hươu nuôi ở Tân
Hà, Lâm Hà được “nhập cư” về từ phía Bắc miền Trung có địa hình thấp hơn đến
1.000m. Vì vậy, Sinh phải ra đây lưu trú đến 30 ngày chọn mua giống hươu khỏe
mạnh nhất của xứ nóng để về nuôi sớm
“thân thiện” với vùng khí hậu lạnh . Đó là vào mùa hè năm 2008, khi Bố- Mẹ chăn
nuôi heo bị lỗ 50- 60 triệu đồng sau mấy ngày dịch tai xanh xâm nhập lây lan,
Sinh bàn với vợ đem bán toàn bộ số vàng trang sức ngày cưới, gom được 20 triệu
đồng cùng với một đồng nghiệp dạy học hướng về Bắc miền Trung “thẳng tiến tầm
hươu”. Sở dĩ thời điểm đó, Sinh chọn con hươu để thay thế cho con heo trong
chuồng nhà là bởi một phép tính đơn giản: Giá một con hươu đực (nặng từ 25-
40kg) từ 10- 12 triệu đồng, chăm nuôi mỗi năm thu 2 lần lộc nhung, mỗi lần cân
nặng từ 0,4- 0,5kg/con ( giá nhung 16 triệu đồng/kg). Nhân ra số tiền sau 12
tháng, một con hươu cho lãi ròng từ 2,6- 4 triệu đồng. Trong khi thức ăn cho
chúng là chồi non, lộc biếc của cây cỏ trong tự nhiên; hoặc chỉ với những phế
phẩm rau, củ quả thải ra; hoặc gồm bó cỏ voi gieo trồng qua nguồn vốn bỏ ra
không đáng kể bao nhiêu.
“Ban đầu tính mua một cặp hươu về nuôi thử nghiệm
trước. Nhưng khi khảo sát trên hàng chục hộ gia đình nuôi hươu ở Bắc miền
Trung, thấy họ mạnh dạn đầu tư thoát nghèo và làm giàu thật nhanh, tôi quyết
định gọi điện về Bố- Mẹ thế chấp toàn bộ mấy héc ta đất nông nghiệp, đất thổ cư
tạo dựng hơn mấy chục năm và liên hệ thêm những người họ hàng, thân thuộc, vay
mượn tổng cộng hơn 360 triệu đồng. Kết quả đến ngày thứ 30, tôi đã chọn mua
được 11 con hươu đực và 09 con hươu cái, thuê một chiếc xe chuyên dụng chạy
suốt hơn một ngày- đêm mới về được tận cửa nhà ở xã Tân Hà, Lâm Hà….”- Sinh
không quên.
Nhiều nhà có lộc
Trên đường xa vận chuyển trên xe, đàn hươu 20 con giẫm
đạp lên nhau khiến 01 con chết, phải xẻ thịt nhờ những người trong xã Tân Hà
mua ủng hộ, lấy lại một phần tiền vốn. Bất ngờ khoảng 2 tháng ở “chuồng nhà
mới”, nhiều con hươu “biến sắc” xuống cân thấy rõ, màu da chuyển sang vàng vọt,
nhợt nhạt. Sinh bình tĩnh nhớ lại trong 30 ngày “tầm hươu” học nghề, được hướng
dẫn sử dụng các bài thuốc chữa bệnh tiêu chảy cho hươu khá tác dụng. Thực hành
ngay bằng cách cho ăn hỗn hợp những loại lá cây có sẵn ở địa phương như lá
xoong, lá ổi, lá cúc quỳ, lá mít…trong 3 ngày liên tục, sức khỏe những con hươu
nhiễm bệnh đã hoàn toàn hồi phục. Và gần 8 tháng sau, Sinh “nhận biết” những
con hươu đực “tiên phong” cho lộc nhung, dùng cưa cắt vừa xong đã có khách hàng
đến trước chờ mua với giá cao nhất của thị trường. Cộng thêm 10 tháng sau nữa, Sinh
đã thu số lượng lộc nhung đủ thanh toán hết khảon tiền nợ gốc 360 triệu đồng
của Bố- Mẹ vay mượn trong và ngoài ngân hàng. Thương hiệu lộc nhung “Trường
Sinh Gia Bảo” từ xã Tân Hà, Lâm Hà đến Đà Lạt và các huyện trong tỉnh Lâm Đồng được
khách hàng trong nước truyền miệng nhau đặt mua trước từ 2- 3 tháng. “Lãi thu
trong năm 2013 đạt 500 triệu đồng, năm 2014 tăng lên 800 triệu đồng, và kế
hoạch năm 2015 trở đi sẽ tăng lên con số hơn một tỷ đồng…”- Sinh hạch toán
nhanh. Riêng số hươu giống trong năm 2014, Sinh bán cho người chăn nuôi trong
tỉnh Lâm Đồng hơn 40 con có “bảo hành” về chất lượng.
Mùa thu lộc nhung “Trường Sinh Gia Bảo” của Lâm Đồng sẽ
đến gần nhất vào tháng 02/2015, Sinh hẹn đi hẹn lại sẽ “a lô” tôi đến nâng cốc
rượu huyết nhung tươi tại chỗ - một thức uống thần dược mà ngày xưa chỉ duy
nhất cung tiến lên vua, quan. Giờ kết thúc bài bút ký này, tôi muốn hối thúc
thời gian vụt nhanh lên để được làm thực khách “đế vương” sau tiếng gọi lộc bên
nhà…/.
THÁNG 11/2014