Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Chuyên canh hoa cúc Nhật ở Đà Lạt

VĂN VIỆT
Công ty TNHH Ngọc Mai Trang, Đà Lạt đang liên kết với nông dân ở Đà Lạt và các vùng phụ cận để mở rộng vùng chuyên canh hoa cúc giống mới nhập về từ Nhật Bản. Giống hoa cúc mới này trồng với mật độ không cao, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nhưng đạt chất lượng xuất khẩu khá khả quan.

XUẤT NGOẠI HỌC LÀM NÔNG DÂN
Năm 2007, chàng thanh niên Nguyễn Đình Hoàng tốt nghiệp Đại học Nông- Lâm thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định trở về Đà Lạt làm nông dân trồng hoa cúc trong Công ty TNHH Ngọc Mai Trang của gia đình. Trên diện tích gần 01 ha sản xuất và vài trăm mét vuông vườn ươm giống, Hoàng cùng với những nông dân trong công ty ngày ngày “bầu bạn” với hoa cúc. Theo thời vụ, những luống hoa cúc nối nhau cắt cành đưa ra thị trường tiêu thụ, nhưng lợi nhuận vẫn cứ quanh quẩn ở mức “bình bình”. Lý do là chất lượng hoa cúc chỉ mới đạt tỷ lệ xuất khẩu từ 15- 20%; tỷ lệ 80 – 85% còn lại bán trên thị trường nội địa, nên doanh thu không “bứt phá” lên được. Từ kiến thức trang bị ở giảng đường đại học, Hoàng “soi” vào công việc đồng áng hàng ngày mới thấy rằng: Hoa cúc giống lâu năm của Đà Lạt đang bị thoái hóa khá nhiều, dẫn đến các dịch bệnh rỉ sắt, đốm lá, nấm cóc…thường gặp trong mùa mưa, nhưng khả năng đề kháng của cây cũng như các biện pháp phòng trừ đều đạt hiệu quả không cao.
Được công ty gia đình đồng ý “tài trợ” kinh phí, Hoàng chọn nước Nhật Bản để làm chuyến “ngao du” dài ngày ở các vùng nông nghiệp công nghệ cao, cách thủ đô Tokyo khoảng 500km. Hoàng nhớ lại: “Nông dân Nhật không chỉ canh tác hoa cúc trong nhà kính, mà còn canh tác ở ngoài trời bằng hình thức phủ màng nilon trên đất. Đến kỳ thu hoạch, tất cả sản phẩm hoa cắt cành đều đạt màu sắc đẹp rực rỡ; hình dáng thân, lá khá chắc khỏe…” Từ đây, Hoàng đã tiếp cận ban đầu các bài học trồng hoa cúc giá trị kinh tế cao của người Nhật là: thường xuyên thay đổi giống mới, chọn thời điểm xuống giống trồng thích hợp nhiệt độ và thời tiết, trồng với mật độ thưa nhất cho phép…Tuy nhiên khi về áp dụng trồng hoa cúc ở Đà Lạt, Lạc Dương thì 2 vùng khí hậu này không có sự biến đổi lớn giữa các mùa vụ trong năm. Bởi vậy, việc triển khai thành một quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh phải cần bổ sung, đúc kết thêm nhiều công đoạn từ thực tế sản xuất. 
oàng lại tiếp tục “khăn gói xuất ngoại” sang Malaysia, tìm đến cao nguyên Cameron để tìm hiểu phần nào bí quyết xuất khẩu hoa cúc sang Nhật đến 400 triệu cành hoa cúc mỗi năm. “ Đất sản xuất trên cao nguyên Cameron có độ dốc khá cao, nông dân vẫn đầu tư các vật liệu nhà kính thông thường với khung gỗ, thậm chí có nhà kính bên trong không cần lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt như nhà kính ở Đà Lạt. Tuy nhiên, nhờ  nông dân ở đây đã tuân thủ một cách đầy đủ, nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo từng giờ, từng phút, nên sản lượng hoa cúc xuất khẩu đã tăng lên rất nhiều hàng năm …”- Hoàng phân tích.
ĐƯA HOA CÚC NHẬT SANG THÁI
Mãi đến năm 2013, cử nhân Nguyễn Đình Hoàng với tư cách là Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Mai Trang đã đàm phán thành công với các đối tác rồi nhập về gần 20 loại giống hoa cúc từ Nhật Bản, sau đó “định canh” trên vườn ươm rộng 1,3 ha tại Lạc Dương, Lâm Đồng. “Chắt lọc” từ các kinh nghiệm sản xuất hoa cúc của nông dân Nhật Bản, Malaysia với nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận, công ty tiến hành xây dựng các mô hình điểm khoảng vài ngàn mét vuông. Thu hoạch vụ hoa cúc đầu tiên đưa sang Thái Lan chào hàng chỉ đạt yêu cầu khoảng 20%, nhưng bù lại, công ty những đã phát hiện ra những kỹ thuật còn “khiếm khuyết” cần phải khắc phục trong vụ hoa kế tiếp. 
Bước sang năm 2014, Công ty TNHH Ngọc Mai Trang đã chọn ra 5 giống hoa cúc Nhật thích nghi nhất với vùng đất cao nguyên Lâm Viên- Đà Lạt để hoàn chỉnh quy trình liên kết với 20 hộ nông dân, sản xuất trên diện tích ổn định từ 4- 5 ha. Theo đó, công ty ứng trước nguồn giống, cung cấp kỹ thuật, chốt trước mức lãi cả năm cho nông dân từ 600 – 1.000 đồng/cành hoa cúc (quy cách trồng từ 45- 50 cây/m², 1 cây thu 1 cành, trồng từ 3- 3,5 vụ/năm). Ước tính trong cả năm 2014, công ty đạt mức 4 triệu cành hoa cúc Nhật xuất khẩu sang Thái Lan; dự kiến con số này tiếp tục tăng lên trong năm 2015 là 10 triệu cành. Chưa kể nhiều triệu cành hoa cúc Nhật còn lại hàng năm đã và sẽ hút hàng ở thị trường khắp nơi trong nước./.   
THÁNG 9/2014