Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Hiệu quả từ những Dự án Nông thôn miền núi

VĂN VIỆT
Gần 10 dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị hàng hóa vật nuôi, cây trồng thuộc Chương trình Nông thôn miền núi ở Lâm Đồng đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, đồng thời tạo ra những mối liên kết mới giữa 3 lĩnh vực công nghệ, sản phẩm và thị trường.

Học nghề từ mô hình mẫu
Từ năm 2011 đến nay, ước tính lên đến hàng ngàn lượt nông dân Lâm Đồng được tiếp cận, thực hành các quy trình khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi đạt năng suất và chất lượng cao. Có thể kể đến trước hết là Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Đơn Dương” đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người sản xuất. Theo đó, với 9 quy trình công nghệ do Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng ( Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) chuyển giao, hơn 200 lượt nông dân Đơn Dương đã được tập huấn, được “cầm tay chỉ khoa học” kỹ thuật về sản xuất meo giống và các loại nấm ăn làm thuốc chất lượng cao. Kết quả, Trung tâm đã xây dựng hoàn thành 32 nhà nấm mẫu sản xuất công nghệ cao, tọa lạc trên diện tích 8.000m², đạt tổng sản lượng thu hoạch hơn 617 tấn nấm bào ngư, nấm mèo khô và các loại nấm khác. Mở rộng ra trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đến nay có khoảng 10 doanh nghiệp đầu tư từ 3 -5 tỷ đồng/ha để sản xuất các loại nấm công nghệ cao như vừa nêu.
Ở huyện Lâm Hà được “thụ hưởng” 2 Dự án khoa học về trồng dâu nuôi tằm và sản xuất cà phê bền vững, thu hút 700 lượt hộ nông dân tham gia học nghề qua tập huấn và hội thảo. Trong đó với mô hình cây cà phê gồm 10ha quản lý mùa vụ tổng hợp, 10ha ghép cải tạo vườn cà phê giống cũ, 03 ha các vườn nhân chồi, sản xuất hạt giống cà phê chè, cà phê vối lai đa dòng; với mô hình cây dâu tằm gồm 60 ha cải tạo và trồng mới, đạt năng suất từ 15-20 tấn lá/ha/năm, chuyển giao cho nông dân toàn bộ quy trình kỹ thuật mới về trồng dâu, nuôi tằm, phòng trừ sâu bệnh gây hại, sấy và bảo quản kén. Đi về huyện nghèo Đam Rông, với Dự án “ Xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu cây ca cao” đã hoàn thiện quy trình trồng xen 30ha ca cao dưới tán vườn điều, trồng ca cao thuần 10ha, đồng thời tổ chức đào tạo kỹ thuật cho hơn 750 lượt hộ nông dân quanh vùng. Về khu vực phía Nam Lâm Đồng, Chương trình Nông thôn miền núi cũng vừa xây dựng 05 mô hình nuôi trồng và sản xuất giống nấm, qua đó đào tạo 14 kỹ thuật viên làm lực lượng nòng cốt để chuyển giao rộng rãi cho nông dân. Về vùng xa nhất của tỉnh Lâm Đồng - xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên đã tổ chức hội thảo, chuyển giao cho 480 lượt hộ nông dân về 5 quy trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng như lúa nước, cà phê, điều, cam, bơ, dứa…    
Trong giai đoạn 5 năm trước đó ( 2005- 2010), nhiều Dự án Nông thôn miền núi ở Lâm Đồng đến ngày nay vẫn tiếp tục nhân rộng các quy trình áp dụng khoa học kỹ thuật về sản xuất, bảo quản, đóng gói sản phẩm các loại hoa cúc, hoa hồng, hoa địa lan ở Đà Lạt; cơ giới hóa trong khâu thu hoạch 50ha diện tích chè búp tươi tại Doanh nghiệp Chè Minh Rồng, Bảo Lâm và “sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật từ bã thải trồng nấm, phế phẩm chăn nuôi và trồng trọt tại Bảo Lộc”.
Phát triển vật nuôi, cây trồng đặc thù
Từ nay đến năm 2020, Chương trình Dự án Nông thôn miền núi Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao giá trị các loài cây trồng, vật nuôi đặc thù theo hướng nông nghiệp an toàn và công nghệ cao, nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa bàn như: lúa ở Đạ Tẻh, Cát Tiên; Rau – hoa Đà Lạt; các loại cây dược liệu trong tỉnh như Thông đỏ, Xáo tam phân, Diệp hạ châu, Đẳng sâm; và các loài vật nuôi gồm bò siêu thịt, bò siêu sữa, cá Hồi, cá Lăng…Để đạt được mục tiêu này - theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng - cần tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, đồng thời có cơ chế khuyến khích xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, tạo sự chủ động đầu tư - đối ứng các nguồn vốn mở rộng sản xuất nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất./.

THÁNG 9/2014