Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Chè ô long với biện pháp thâm canh cân đối

VĂN VIỆT
Nhân rộng các biện pháp thâm canh cân đối lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới phun sương…theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhiều vùng chè ô long Lâm Đồng đã giảm đáng kể nguồn vốn đầu tư và tăng rõ rệt nguồn lợi nhuận.
  THƯƠNG HIỆU CHÈ Ô LONG AN TOÀN

Khảo sát của Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt cho biết: Chè chất lượng cao Đài Loan gồm các giống ô long, kim tuyên, ngọc thúy, tứ quý, thanh tâm… bắt đầu “di thực” về vùng đất Bảo Lâm trồng rải rác từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau đó “xâm canh” trên diện rộng đến các vùng đất Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt, Lâm Hà. Với khí hậu đặc thù của vùng cao nguyên Lâm Đồng, những giống chè Đài Loan này (thường được gọi chung là chè ô long) đã nhanh chóng chứng tỏ khả năng thích nghi và phát triển thành các vùng nguyên liệu chuyên canh với sản lượng và chất lượng ngày càng nâng cao, đến nay tổng diện tích ước gần 2.215ha. Đồng hành với nhà nông, những nhà doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè ô long an toàn ở Lâm Đồng cũng đã lần lượt “ra mắt” và theo thời gian tích cực cạnh tranh đã định hình uy tín và giá trị thương hiệu của mình. Như từ năm 2005 đến nay, thị trường trong và ngoài nước đã biết nhiều đến những nhãn hiệu chè ô long an toàn đạt các tiêu chuẩn gồm: 42ha đạt Iso ABS Mỹ và Organic EU của Công ty TNHH Vina- Suzuki, Di Linh; 40ha đạt VietGap của Công ty cổ phần Chè Minh Rồng, Bảo Lâm; 50 ha đạt GlobalGAP của Công ty TNHH Phương Nam ( Bảo Lộc)…
CHÈ Ô LONG THÂM CANH CÂN ĐỐI
Ở Đà Lạt 10 năm trở lại đây, chè ô long phát triển tại xã Trạm Hành và xã Xuân Trường, tổng cộng diện tích ước khoảng 490ha. Mặc dù nông dân ở đây sản xuất chè ô long theo hợp đồng tiêu thụ của các doanh nghiệp Đài Loan chế biến tại chỗ, nhưng thực tế liên kết vẫn chưa thực sự ổn định về giá cả vì chất lượng sản phẩm hàng năm không đồng đều. 
Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt đã tiến hành điều tra, phỏng vấn các biện pháp thâm canh của 100 hộ nông dân sản xuất chè ô long, hộ sản xuất ít nhất là 0,3ha, nhiều nhất là 02ha; đồng thời cũng đã lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu chè thu hoạch…ở đây để đưa đi phân tích. Kết quả cho thấy nông dân vẫn chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm riêng của từng nhóm hộ gia đình, nên năng suất và chất lượng chè ô long cứ “năm được, năm mất”, trong đó những thời điểm thu hoạch vào mùa mưa thường hay bị bên thu mua ép giá.
 Để góp phần khắc phục tình trạng này, trong 2 năm vừa qua, Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt đã xây dựng và chuyển giao 6 mô hình điểm về áp dụng các biện pháp thâm canh cân đối cho cây chè ô long, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi hộ gia đình được chọn triển khai 01 mô hình với 0,5 ha chè ô long từ 4- 7 năm tuổi, tọa lạc ở những vị trí thuận lợi để đối chứng, thâm canh trình diễn cho nông dân quanh vùng tham quan, học hỏi. Đến nay, quy trình đã hoàn thiện với việc cân đối lượng phân bón hữu cơ và vô cơ theo từng giai đoạn thích hợp. Cụ thể trên mỗi hécta chè ô long hàng năm, cần bón phân bò sữa đã ủ hoai mục vào đầu mùa mưa với 60m³, hoặc bón kết hợp với 100kg phân Magiê sulfate và 20kg phân kẽm sulfate; bơm phun 2- 3 lít chế phẩm vi sinh EMZ- USA để cải tạo đất vào tháng 4 và tháng 8. Với phân vô cơ, trung bình mỗi lứa chè ô long khoảng 50 ngày, được bón cùng lúc với các khối lượng: Urê ( 760kg), DAP ( 190kg) và Kali (160kg)...
So sánh với cách sản xuất thông thường thì các biện pháp thâm canh cân đối ở 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành, Đà Lạt đã tăng thêm năng suất chè ô long an toàn trên mỗi hécta từ 06 – 13%, và lợi nhuận tăng theo tỷ lệ thuận từ gần 65 triệu đồng đến hơn 87 triệu đồng. Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao toàn bộ quy trình nói trên cho khoảng 140 nông hộ trên địa bàn./.
THANG 9/2014