VĂN VIỆT
Thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh, nữ “Phó huyện” Đức Trọng, Bạc Tuyết Nhan đã đúc kết nhiều
“giải pháp hữu ích” để giảm chi ngân sách, rút ngắn thời gian hoàn thành các
chỉ tiêu, kế hoạch trên lĩnh vực văn hóa- xã hội.
TÌM NGUỒN TÀI TRỢ, GIẢM CHI NGÂN SÁCH
Một ngày gần cuối tháng 9/2014, tôi gặp “Phó huyện”
Đức Trọng, Bạc Tuyết Nhan để mong được trò chuyện về những “công việc văn- xã”,
chị nhìn đồng hồ: “ Chỉ mấy phút nữa là đến 13h30 rồi. Chị bận họp. Hẹn em giờ
giải lao giữa buổi chiều nay nhé !”
Tìm hiểu thêm, bên cạnh thói quen vô cùng quý báu thời
gian, chị Nhan là một trong những vị lãnh đạo ở huyện Đức Trọng “rất rất” tiết
kiệm với những khoản chi từ ngân sách nhà nước. Hơn 4 năm giữ chức vụ Phó Chủ
tịch UBND huyện Đức Trọng, chị Nhan đã góp phần xây dựng và phát triển các lĩnh
vực văn hóa - xã hội theo hướng xã hội hóa các nguồn đầu tư. Trong đó, tính riêng
các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao hàng năm, chị vừa trực tiếp
chỉ đạo vừa tham gia vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài địa phương Đức
Trọng hàng năm trên dưới 100 triệu đồng mỗi lần tổ chức. “ Nhờ huy động được
các nguồn tài trợ này, tất cả các giải thể thao cấp huyện Đức Trọng như bóng
đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt…đều không phải chi một khoản tiền ngân sách
nào. Đáng kể với các chương trình liên hoan nghệ quần chúng còn có thêm nguồn
thu gây quỹ xây nhà ở cho người nghèo trên địa bàn …”- chị Nhan cho biết.
Buổi sáng hôm đó, được tháp tùng với Đoàn Công tác của
Tỉnh ủy Lâm Đồng về thăm xã vùng sâu ( nguyên là xã kinh tế mới) Ninh Loan, tôi
đã “phát hiện” chị Nhan còn là một lãnh đạo của huyện Đức Trọng được phân công
phụ trách xã này. Chị kể, xã Ninh Loan trong sự vận động không ngừng đi lên từ
khó khăn ở tất cả mọi lĩnh vực, trong đó lĩnh vực giáo dục luôn được chị đặt ở
vị trí hàng đầu. Nhưng trước hết cũng cần phải có những khoản tiền cơ bản để
xây dựng “trường ra trường, lớp ra lớp” mới thuyết phục đầy đủ mọi trẻ em của 6
dân tộc ở địa phương đến trường. Thay vì phải thiết lập các văn bản kiến nghị,
đề xuất các dự án khả thi rồi ngồi chờ ngân sách nhà nước “phát lệnh” chi, chị
Nhan chủ động làm “tình nguyện viên” liên hệ với nhiều địa chỉ quen biết của cá
nhân để huy động đóng góp. Chân tình, tâm huyết với mục đích xã hội hóa đầu tư
cho giáo dục, chị Nhan đã nhanh chóng nhận được những “hồi đáp” tài trợ của các
doanh nghiệp, mạnh thường quân khá nhiệt thành. Kết quả đầu tư hạ tầng cơ sở
giáo dục ở xã Ninh Loan, trong năm 2013, chị Nhan “xin” được “bên ngoài” 300
triệu đồng, về vận động nhân dân “bên trong” thêm 208 triệu đồng - vừa đủ “cơ
số” để xây dựng hoàn thành một phòng học mẫu giáo. Sang năm 2014, chị Nhan cũng
đã huy động tài trợ với “số tròn” 300 triệu đồng, đồng thời đang phối hợp với
cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã Ninh Loan vận động nhân dân
địa phương đối ứng khoảng hơn 200 triệu đồng, dự kiến sẽ triển khai xây dựng và
khánh thành thêm một phòng học mẫu giáo sau cùng ở đây. “Vậy là yên tâm rồi.
Chắc chắc sẽ huy động 100% các cháu 4 tuổi ở xã Ninh Loan đến lớp học mẫu giáo
! ”- chị Nhan chia sẻ.
VỀ ĐÍCH THOÁT NGHÈO SỚM MỘT NĂM
Trong “nguồn vốn” thời gian hữu hạn của mình, nữ “Phó
huyện” Bạc Tuyết Nhan luôn phải phân bổ hợp lý, giờ nào hội họp, giao ban, giờ
nào đi thực tế cơ sở đều lên trước kế hoạch sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Như
công tác giảm nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ, chị Nhan chỉ đạo các
ban, ngành chức năng trong huyện Đức Trọng thực hiện trên cơ sở khảo sát thực
tế xuống từng xóm nghèo, thôn nghèo và xã nghèo. Chị phân tích : “Xuống tận nơi
với người dân, mình thấu hiểu hơn, nắm bắt nhu cầu đầu tư sản xuất cây gì, nuôi
con gì cho thực sự phù hợp, thực sự đạt lợi nhuận để vươn lên thoát nghèo nhanh
nhất…” Giúp dân thoát nghèo ở đây, chị Nhan còn thường xuyên đồng hành với
chính quyền địa phương để kiểm tra, vận động, hướng dẫn từng hộ gia đình áp
dụng đúng, đủ quy trình kỹ thuật, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc từng vụ
mùa sản xuất, từng lứa chăn nuôi gia súc, gia cầm. Rồi nhân rộng kinh nghiệm
cho những hộ gia đình thoát nghèo tiếp theo.
Với tinh thần làm việc tận tâm, hòa mình với thực
tiễn, gần dân, sâu sát với dân, nữ “Phó huyện” Bạc Tuyết Nhan đã đóng góp hết
sức quan trọng để giảm rõ rệt tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Đức Trọng. Cụ thể
theo tiêu chí cũ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 từ 5,72% giảm xuống còn 2,87% năm
2010. Đến năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, từ 8,25% đến năm 2013 giảm xuống còn 2,59%. Và dự kiến
đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đức Trọng sẽ giảm xuống dưới 2%,
trong đó dưới 5% tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. “ Tỷ lệ này,
huyện Đức Trọng đã đạt chỉ tiêu thoát nghèo sớm hơn kế hoạch trước 1 năm”- chị
Nhan khẳng định.
Đến ngày 01/01/2015, nữ “Phó huyện” Đức Trọng, Bạc
Tuyết Nhan chính thức nghỉ hưu. Là người dân tộc Thái, trải qua nhiều cương vị
công tác khác nhau ở huyện Đức Trọng, từ Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân
huyện đến Phó Ban Thường trực, Ban Tổ chức Huyện ủy và nay là Phó Chủ tịch UBND
huyện, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 2007 đến năm
2013, chị Nhan liên tục được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” ở
huyện Đức Trọng và được tặng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt,
vào tháng 6/2014, chị được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng
Ba./.
THÁNG 9/2014