Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Cơ hội cho du lịch nông nghiệp Thái Phiên

VĂN VIỆT
Làm việc với Đảng ủy phường 12, Đà Lạt, đồng chí Vũ Công Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đặc biệt quan tâm những bước phát triển của du lịch nông nghiệp Làng hoa Thái Phiên trong từng giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Trong đó giải pháp xuyên suốt phải gắn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với việc mở rộng hoạt động du lịch, nhằm hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra những cơ hội mới để bứt phá đi lên.

Từ tour tự phát đến tour lữ hành
Làng hoa Thái Phiên là một điểm đến các tour du lịch tự phát của lữ khách khắp nơi từ hơn 10 năm trước có dư. Qua những lời tiếp thị truyền miệng, qua những tấm ảnh lưu niệm chuyền tay, những năm đầu, lữ khách đến đây ngắm nhìn những vườn rau thuốc atiso lạ mắt, rồi tự giao lưu với người nông dân địa phương ghi lại những địa chỉ quen thuộc cho ngày trở lại. Sau này, những lễ hội hoa nối tiếp và những Festival định kỳ diễn ra, đường đến Làng hoa Thái Phiên dần trở thành một tour hấp dẫn không chỉ đối với du khách mà còn đối với các nhà khoa học, các sinh viên nông nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt với dấu mốc quan trọng vào cuối năm 2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định công nhận Làng hoa Thái Phiên là “làng nghề truyền thống” của phố hoa Đà Lạt, nhiều đơn vị dịch vụ du lịch trong nước tích cực bước vào cạnh tranh xây dựng các tour du lịch nông nghiệp rau, hoa nhà kính. Lúc này tính riêng sản lượng hoa cắt cành hàng năm (chủ yếu là hoa cúc các loại) ở Làng hoa Thái Phiên đạt 450 triệu cành, tăng nhảy vọt hơn 400 triệu cành so với hơn 10 năm trước đó.
Hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH Du lịch Đà Lạt Hoa, nam thanh niên Hà Đình Tiến kể, gần một năm qua, công ty thường xuyên tổ chức hàng tuần các tour du lịch kết nối Làng hoa Thái Phiên với các khu vực sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt. Cứ mỗi đoàn từ 5- 7 người trên xe du lịch đời mới đưa đón từ các khách sạn trung tâm thành phố Đà Lạt, du khách đến Làng hoa Thái Phiên được trải nghiệm với từng công đoạn chăm sóc và thu hoạch của từng vườn hoa; được thưởng thức tại chỗ rồi chọn mua về các sản phẩm atiso khô, các sản phẩm rau xanh tươi đạt chuẩn an toàn quốc gia và quốc tế. 
Đặc biệt ở đây có vườn rau nhà kính 04ha của nông dân Mai Văn Khẩn đang trở thành nơi hẹn trải nghiệm khá thú vị cho du khách tùy theo lứa tuổi, có thể hòa mình vào cảm giác được mùa hoa lợi trù phú của nhà nông; hoặc có thể lao động, sinh hoạt trọn vẹn một ngày đêm để cùng nghe “nhịp thở” của từng luống rau, thửa đất...Bây giờ, anh Khẩn đã đầu tư khoảng 1,3 tỷ đồng, hoàn thành hơn 1.000m đường bê tông nối liền đường nhựa tỉnh lộ, nên ô tô khá thuận tiện khi đưa du khách đến tận vườn.
Đón ngàn lượt khách tham quan
Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch UBND phường 12, Đà Lạt cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, Làng hoa Thái Phiên đón 24 đoàn khách tham quan với hơn 1.000 lượt khách. Trong đó, ngoài khách du lịch tham quan, đáng kể là khách đoàn lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong nước và đoàn các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc…đến Làng hoa Thái Phiên nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình điểm sản xuất rau, hoa công nghệ cao. Trong điều kiện “định biên” hạn chế của mình, phường 12 đã thành lập một tổ công tác để thường trực hướng dẫn khách đến tiếp cận những điểm sản xuất tiêu biểu nhất trong từng khu vực. Những nông dân chủ vườn là người trực tiếp thuyết minh cho “khách đường xa” về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của mình – kỹ thuật đã được tích lũy từ kinh nghiệm thực tế và từ nhiều chương trình chuyển giao khoa học công nghệ của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt. 
Thực tế đến nay, diện tích sản xuất rau, hoa công nghệ cao ở Làng hoa Thái Phiên đang phát triển trên dưới 1.000ha. Phường 12 ước đạt lợi nhuận trong cả năm 2014 với các loại nông phẩm khá khả quan như: 300 – 400 triệu đồng/ha rau, 800 triệu đồng/ha atisô, 1- 1,2 tỷ đồng/ha hoa…Riêng 9 tháng đầu năm 2014, sản lượng hoa cắt cành nhà kính đã tiếp tục tăng lên 450 triệu cành.
Dự báo trong những năm tới, lượng khách du lịch đến Đà Lạt sẽ theo chiều hướng tăng khoảng 15 - 20%/năm. Đây là cơ hội mới cho Làng hoa Thái Phiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án dịch vụ du lịch gắn với việc điều chỉnh quy hoạch các khu vực du lịch nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của du khách bốn phương./
THÁNG 9/2014