Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Trồng mới 5.000 ha rừng ở Lâm Hà

VĂN VIỆT
Huyện Lâm Hà đang “khởi động” trồng mới 5.000 ha rừng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thuộc 12 xã, thị trấn, phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng độ che phủ rừng trên toàn địa bàn đạt tỷ lệ  hơn 33%.

TRỒNG THÍ ĐIỂM ĐỂ NHÂN RỘNG
Thống kê hiện tại trên địa bàn huyện Lâm Hà có 8.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp không có rừng, trong đó có khoảng 3.000 ha đất sình lầy, ngập nước sông suối; đất giao cho các dự án thủy điện bố trí, sắp xếp dân cư…Còn lại 5.000 ha đất bị lấn chiếm trồng cà phê và các loại hoa màu, nhưng do quanh năm thiếu nước, thiếu cây chắn gió, đất thường xuyên bị xói mòn, nên năng suất cây trồng rất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp, từng bước xây dựng và phát triển theo hướng xã hội hóa nghề rừng, ngày 25/7/2014, HĐND huyện Lâm Hà đã quyết nghị giao cho UBND huyện Lâm Hà tổ chức triển khai trồng rừng sản xuất theo phương án nông – lâm kết hợp từ nay đến hết năm 2019.
Ông Đỗ Văn Thủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trồng mới 5.000 ha rừng ở huyện Lâm Hà cho biết:  Giai đoạn năm 2014- 2015 sẽ trồng thí điểm khoảng 400 ha rừng trên 5 xã gồm Tân Thanh, Phúc Thọ, Phú Sơn, Phi Tô và Mê Linh; giai đoạn 2015 – 2019, trồng nhân rộng 4.600 ha rừng trên 7 xã, thị trấn tiếp theo như Nam Ban, Nam Hà, Đông Thanh, Gia Lâm, Đinh Văn, Đạ Đờn và Đan Phượng. Có 5 giống cây rừng chính được đưa về trồng ở đây là dầu rái, sao đen, muồng đen, giáng hương và mắc ca - tất cả đều phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Thời điểm xuống giống trồng cây rừng vào những ngày mới mưa hoặc sau những cơn mưa khi đất còn ẩm ướt, đồng thời tuân thủ theo quy cách hàng cách hàng 9m, cây cách cây 6m, mật độ 185 cây/ha. Cụ thể cứ trồng xen một hàng cây rừng với 6 – 8 hàng cây cà phê chè catimor và với 3 hàng cây cà phê vối. Kết quả từng diện tích rừng sẽ được nghiệm thu khi mật độ sống của cây rừng trồng đạt trên 70%. Tổng mức đầu tư giống cho 01 ha rừng trồng xen cây nông nghiệp ước tính khoảng 2 triệu đồng với cây muồng đen; 4 triệu đồng với các cây sao đen, dầu rái, giáng hương; hơn 15,7 triệu đồng với cây mắc ca. 
     TĂNG THU NHẬP TỪ NGHỀ RỪNG
Việc trồng mới 5.000 ha rừng nói trên chỉ áp dụng cho loại đất rừng sản xuất, nguồn tiền mua cây giống trồng rừng ( trừ cây giống mắc ca) được nhà nước trích ngân sách hỗ trợ 70% cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; các đối tượng còn lại phải đầu tư 100% vốn tự có của mình. Dẫu vậy, tất cả các chủ hộ trồng rừng đều được hưởng như nhau về nguồn thu nhập từ những sản phẩm của nghề rừng bao gồm gỗ, củi thu hoạch; được ký kết hợp đồng giao, nhận đất với các đơn vị chủ rừng; được nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất rừng trồng khi xảy ra tranh chấp.
Tuy nhiên với quyền lợi của chủ hộ trồng rừng bao giờ cũng phải luôn luôn “đồng hành” với nghĩa vụ và các biện pháp chế tài. Theo UBND huyện Lâm Hà, yêu cầu trước hết đó là “ thực hiện việc trồng rừng, chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ; tự đầu tư chăm sóc, quản lý bảo vệ cây rừng phát triển tốt; không được nhổ bỏ, chặt phá….” Và các hình thức chế tài cũng sẽ áp dụng khá “bình đẳng”, “nếu cá nhân, hộ gia đình nào không thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng đất, hoặc vi phạm các điều khoản trong hợp đồng khoán như: trồng cây không đúng mật độ, thiếu trách nhiệm để cây bị chết, bị nhổ, bị chặt phá thì phải bồi hoàn mọi chi phí do nhà nước nước đầu tư, đồng thời phải giải tỏa, thu hồi, giao lại cho đơn vị chủ rừng quản lý hoặc giao lại cho các cá nhân, hộ gia đình khác để thực hiện việc trồng rừng theo quy định…. ”
Theo nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo trồng mới 5.000 ha rừng ở Lâm Hà phối hợp cùng với chính quyền cấp xã và các ngành chức năng trong huyện xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động trồng rừng, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đồng thời nhân rộng trên “vùng nguyên liệu rừng” của 12 xã, thị trấn trên địa bàn về những kinh nghiệm, kết quả “gặt hái” được từ thực tế sản xuất nông- lâm kết hợp hàng tháng, hàng quý, hàng năm…
THÁNG 8/2014