Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Bông hồng cho con vào đại học

VĂN VIỆT
Cập nhật lúc 15:52, Thứ Tư, 13/03/2013 (GMT+7)
Dịp 8/3 năm nay, hoa hồng có thêm một thời điểm được giá, anh K’Long Cha và vợ ở buôn Măng Lin, phường 7 (Đà Lạt) vui hơn: “Mỗi ngày ra 4 sào vườn cắt hoa hồng bán cho đại lý đầu mối khoảng 2.500 cành, thu cũng trên dưới 10 triệu đồng. Mừng lắm vì đang dành một khoản tiền kha khá để sang năm lo cho đứa con gái út vào đại học…”.


Điểm đặc biệt của hoa hồng so với các loài hoa cắt cành khác của Đà Lạt là thường tăng giá vào những ngày lễ gia đình, lễ tôn vinh phụ nữ, ngày tình nhân… vì lượng người mua nhiều vượt trội hơn ngày thường. Với gia đình K’Long Cha thì năm 2013 là năm thứ bảy trong vườn nhà có hoa hồng bán lấy tiền nuôi 4 người con đi học lên cấp đại học. Người vợ K’Long Cha nhớ lại: “Vợ chồng mình trước khi trồng hoa hồng thì trồng rau xanh ngoài trời. Trước khi trồng rau xanh ngoài trời thì đã trồng cà phê. Cứ thu hoạch được cây trồng cũ thì dành tiền để đầu tư chuyển sang trồng cây mới, đến nay mình đã có nguồn thu hàng ngày trên 4 sào hoa hồng được trồng nhà kính…”.

Vợ chồng K’Long Cha là người đồng bào thiểu số bản địa Đà Lạt đầu tiên và duy nhất ở buôn Măng Lin trồng và chăm sóc các loại rau xanh giá trị kinh tế cao như bắp sú, cải thảo… từ mười năm về trước, lúc cả hai chưa tới tuổi bốn mươi. Bấy giờ trước nhu cầu chi phí ăn học của 4 người con trong gia đình ngày càng nhiều lên, vợ chồng K’Long Cha với cuộc sống rất chật vật khi chỉ độc canh cây cà phê mỗi năm một già cỗi thêm. Không ngại ngần khi tìm đến học hỏi kinh nghiệm của người Kinh làm nông trong thành phố Đà Lạt để chuyển đổi cà phê già cỗi sang trồng rau xanh thương phẩm, sau đó đến năm 2005 chuyển tiếp sang trồng hoa hồng trong nhà kính với diện tích 2.000m2.

Bên cạnh nguồn vốn tự có từ trồng rau xanh, nguồn vốn vay tín chấp của các tổ chức tín dụng tại địa phương, hộ K’Long Cha huy động thêm những người bà con, họ hàng, mạnh dạn đầu tư cải tạo, xây dựng nhà kính và hệ thống tưới tự động trên mỗi sào đất - tính theo giá thị trường đầu năm 2013, ước trên dưới 150 triệu đồng. Được một hộ gia đình người Kinh ở Làng hoa Vạn Thành cung cấp nguồn giống cây hoa hồng ghép chất lượng cao đưa về trồng, vợ chồng K’Long Cha gần như dồn hết sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó để chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật được hướng dẫn, đến khoảng 6 tháng sau, cây bắt đầu thu cắt hoa để bán vào mỗi buổi sớm mai hàng ngày…


Sang năm 2012, quy trình nuôi dưỡng và thu hoạch hoa hồng đã gần như thực hành hoàn chỉnh, thuần thục hàng ngày, vợ chồng K’Long Cha mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm 2 sào hồng nhà kính nữa. Đây là một bước đi lên khả quan mà vợ chồng K’Long Cha đã vượt qua những thất bại không nhỏ vì kỹ thuật phòng chống bệnh cho cây trồng chưa triển khai kịp thời, chưa đúng phương pháp, đúng thuốc và đúng lúc. Điển hình các bệnh dịch hại đã xảy ra trên những khoảnh vườn của vợ chồng K’Long Cha như: bệnh sưng rễ làm cây bắp sú chết hàng loạt, bệnh nhện đỏ gây bệnh vàng lá và không ra hoa trên cây hoa hồng… Đến nay, trên 4 sào hoa hồng có 2 sào đã thay lại nhà kính lần 2, vợ chồng K’Long Cha mỗi ngày nắng cắt thu từ một ngàn đến hơn hai ngàn cành; mùa mưa có ngày thu đến 2,5 ngàn cành.
 Cộng với thu nhập 2 sào rau thương phẩm trồng luân canh với hoa lay ơn, vợ chồng K’Long Cha đã lần lượt đưa 4 người con “đàng hoàng” đi qua ngưỡng tú tài để vào giảng đường đại học. Bây giờ thì vợ chồng K’Long Cha đã có 3 người con đầu tốt nghiệp đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt; 1 người con út đang ôn thi đại học vào mùa thi năm 2013.
Theo vợ chồng K’Long Cha, nếu có điều kiện về vốn đầu tư thì bất cứ hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nào ở Đà Lạt đều có thể canh tác hoa hồng đạt lợi nhuận hơn 50% sau trừ tất cả chi phí công lao động, đầu tư vật tư phân bón, khấu hao tài sản nhà kính… Bởi cây hoa hồng rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu xứ lạnh Đà Lạt, giá cả tiêu thụ có lên xuống, nhưng không bao giờ phải chịu lỗ cả. Có điều phải tuân thủ theo chế độ làm cỏ, bón phân, tưới nước, bơm thuốc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng quý trong năm. Trong đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón đều phải theo sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương.
THANG 3/2013