Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

 VĂN VIỆT

Sáng ngày 11/4 tại TP Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Khuyến nông đô thị lần 1 năm 2024 chuyên đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”.

Tham dự Hội thảo có ông Lê Minh Lịnh,  Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cùng đại diện Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố là thành viên Câu Lạc bộ khuyến nông đô thị gồm: 

Hà Nội, TP HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Trà Vinh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hậu Giang, Đắk Lắk, Nghệ An, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Phước, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Tây Ninh.

Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo là giải pháp khả thi để giúp nông nghiệp đô thị Việt Nam tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Báo cáo năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam mới chỉ đạt 3,8%. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng tại Việt Nam khi ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI, robot tự động hóa... Vì vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trở thành yêu cầu cấp bách, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp đô thị Việt Nam.

Với tỉnh Lâm Đồng có khoảng 26 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp), công nghệ GIS quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, công nghệ đèn LED...;

công nhận 13 “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17.000 hộ nông dân... Kết quả phát triển nền nông nghiệp Lâm Đồng hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây, cà chua và bò sữa đạt doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ ha/ năm; cá biệt doanh thu hoa cao cấp 24 tỷ đồng/ ha/năm. 

Tại Hội thảo, tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh giải pháp trọng tâm đến năm 2025, xây dựng kế hoạch dài hạn triển khai nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm OCOP có tính đặc thù mỗi địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững..

Trong cả nước ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI, Big Data hay blockchain xác định là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm từ nông nghiệp đô thị. 

Qua Hội thảo với nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số và những công nghệ tiên tiến nhất, lĩnh vực nông nghiệp đô thị tại Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá, đáp ứng nhu cầu lớn về lương thực, góp phần đảm bảo cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho các khu vực đô thị Việt Nam…

THÁNG 4/2024