VĂN VIỆT
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đã tạo ra những chuyển biến quan trọng hơn 3 năm qua trong nhiều vùng nông nghiệp của tỉnh, trong đó đã xây dựng và phát triển hiệu quả những mô hình liên kết tiêu biểu chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường để nhân rộng trên địa bàn.
Đề án Phát
triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025 được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt triển
khai vào ngày 20/11/2020. Kết quả, toàn tỉnh đến nay có gần 1.580 ha được cấp giấy chứng nhận hữu
cơ, trong đó trồng trọt gần 1.440 ha, 140 ha trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi
1.005 con bò sữa. Bao gồm đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam hơn
270,6 ha, tiêu chuẩn quốc tế gần 1.308,5 ha. Cụ thể sản xuất các loại cây trồng
đạt chứng nhận hữu cơ như: điều (1.110,4
ha), cà phê (140,3 ha), cỏ thức ăn chăn nuôi (140 ha), rau (hơn 88,3ha), cây
ăn quả (gần 34 ha), lúa (34 ha), mắc ca (18,6 ha), nấm (6,5 ha), chè (5 ha).
Ngoài ra các vùng
nông nghiệp trong toàn tỉnh đang sản xuất
theo hướng hữu cơ hơn 870 ha cây trồng và chăn nuôi 53.000 con gà, 26 con bò sữa, 50 con heo rừng.
Tính chung đến hết 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ xây dựng 10 chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên địa bàn. Trong đó 2 chuỗi tại Tổ Hợp tác cà phê hữu cơ Đỗ Tùng và Hợp tác xã Hoa Linh Coffee, đã liên kết 38 hộ sản xuất 18,5ha cà phê, tổng sản đạt lượng 277,5 tấn quả tươi/năm, giá thu mua cao hơn giá thị trường trung bình 7.000đ/kg quả tươi. Tiếp theo 2 chuỗi sản xuất và thu mua lúa, gạo tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa và Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng Phát; 1 chuỗi sản xuất và thu mua mắc ca tại Công ty TNHH Mắc ca Việt đã và đang hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện nông dân yên tâm sản xuất.
Tại Công ty Cổ phần Nguyên Long, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng còn hỗ trợ phát triển 1 chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm hương. Chuỗi liên kết hoạt động ổn định với 60 nhà trồng nấm/50 hộ sản xuất hàng năm đạt tổng sản lượng khoảng 230 tấn nấm tươi. Theo đó, sau một chu kỳ sản xuất kéo dài 4 tháng, mỗi nhà nấm diện tích 50m2 thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng. Hàng năm, Công ty Cổ phần Nguyên Long sản xuất và cung cấp cho các công ty khác và nông hộ liên kết khoảng 540.000 bịch phôi nấm hương (tương đương 6,5 tỷ đồng). Đồng thời bao tiêu toàn bộ sản lượng nấm hương tươi thu hoạch của nông hộ (162 tấn), trong đó sử dụng 81 tấn (50%) làm nguyên liệu sản xuất nấm hương ăn liền khoảng 5.670 kg thành phẩm, tương ứng giá trị hơn 8,5 tỷ đồng.
“Các
chuỗi liên kết đã giúp nông dân sản xuất theo kế hoạch, theo quy trình tiêu chuẩn,
từ đầu vào đến đầu ra, tạo ra các sản phẩm hữu cơ đồng nhất, chất lượng cao, đảm
bảo an toàn thực phẩm, từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Ðây cũng
là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản
xuất, nâng cao vị thế cho nông sản xuất khẩu của tỉnh…”, Trung tâm Khuyến nông
Lâm Đồng đánh giá.
Mục tiêu Đề án Phát triển nông
nghiệp hữu cơ đến năm 2025, toàn tỉnh tiếp
tục lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng chuỗi
liên kết liên huyện sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó,
khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học phòng
trừ dịch hại; ký kết hợp đồng thu mua và xuất khẩu, tăng cường quảng bá các sản
phẩm hữu cơ chủ lực của tỉnh.../.
tháng 4/2023
.