Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

Đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo ở Lạc Dương

VĂN VIỆT

Huyện Lạc Dương tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đến năm 2025 tỷ lệ nghèo đa chiều còn dưới 0,5%, trong đó hộ  dân tộc thiểu số còn 0,8%. Dự kiến sau khi sáp nhập với thành phố Đà Lạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều địa bàn huyện Lạc Dương thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh.

282 HỘ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO

Thống kê trong năm 2022- 2023, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo của huyện Lạc Dương được phân bổ nguồn vốn hơn 3,3 tỷ đồng hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế 5 xã với 282 hộ sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo, kết quả giải ngân 100% vốn cuối năm 2023. Trong giai đoạn này, huyện Lạc Dương cũng đã huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo 61 căn nhà, cải thiện sinh kế hơn 100 hộ với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng.  

Cụ thể, huyện Lạc Dương đã hỗ trợ con giống bò vàng địa phương, giống cỏ trồng làm thức ăn chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật bán thâm canh, quy mô 5 con/mô hình; hỗ trợ con giống, máy sơ chế thức ăn, chuyển giao kỹ thuật nuôi heo địa phương nhốt chuồng, quy mô 10 con/ mô hình. Về trồng trọt, huyện Lạc Dương cũng đã phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại các doanh nghiệp như: cà phê (Công ty ACOM); atiso (Công ty Cổ phần dược Lâm Đồng, Công ty TNHH Vĩnh Tiến); nấm hương (Công ty Cổ phần Nguyên Long); chuối Laba (Công ty Cổ phần Chuối Việt, Cơ sở sản xuất Lang biang). Ngoài ra huyện Lạc Dương triển khai mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, bảo vệ cảnh quan môi trường rừng; hỗ trợ cây giống tái canh, trồng dặm cây cà phê, trồng xen cây hồng ăn trái, mắc ca trong vườn cà phê…

“Địa bàn Huyện Lạc Dương hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, trồng cây cảnh quan xen ghép với cây cà phê, bảo đảm môi trường bền vững, thu hút nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham qua như: Hỗ trợ cây giống tái canh, trồng dặm cây cà phê, cây hồng ghép ăn trái trồng xen canh với diện tích 185,8ha, hỗ trợ cây mắc ca ghép trồng xen canh với diện tích 36,7ha, trồng cây tạo ranh giới xanh; mô hình cải tiến chuồng bò của  dự án JICA với trên 80 hộ tham gia; 5 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản được chính quyền các cấp, người dân ghi nhận kết quả...”, cơ quan chuyên môn huyện Lạc Dương cho biết thêm.

MỖI NĂM GIẢM 3- 4% HỘ NGHÈO ĐA CHIỀU

Với mục tiêu đa dạng hóa sinh kế, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm giảm từ 3 - 4%/năm, đến năm 2025 giảm xuống còn dưới 0,5% nói trên, huyện Lạc Dương xác định giải pháp trọng tâm xây dựng, nhân rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Theo đó, huyện Lạc Dương hỗ trợ cây giống, con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp cho 531 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với mật độ trồng cây cảnh quan 1.100 cây/ha; cây mắc ca 124 cây/ha; cây hồng 100 cây/ha; cây chuối 1.100 cây/ha; cây cà phê 5.000 cây/ha. Đồng thời hỗ trợ phát triển 100 mô hình chăn nuôi heo, 55 mô hình nuôi bò, quy mô từ 5- 10 con/mô hình. Phân kỳ hỗ trợ năm 2024 với 376 hộ (142 hộ nghèo, 254 hộ cận nghèo) và một số hộ thoát nghèo năm 2023. Năm 2025 với 155 hộ (81 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo) và một số hộ  thoát nghèo năm 2024.

Dự kiến hiệu quả từ các mô hình đa dạng hóa kinh kế vừa nêu, hộ nghèo, cận nghèo và vừa mới thoát nghèo huyện Lạc Dương trồng, chăm sóc cây cảnh quan lợi nhuận năm đầu tiên có thể thu từ 18 triệu đồng/ha trở lên; năm thứ 2 trở đi từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/ha trở lên. Cây cà phê  sau 2 năm canh tác, năng suất bình quân 20 tấn trái tươi/ha. Cây chuối từ năm thứ 2 trở đi, doanh thu từ 350 triệu đồng/ha trở lên. Cây hồng ăn trái và mắc ca đến 5 năm tuổi thu hoạch và là cây che bóng, góp phần ổn định năng suất, chất lượng cho các cây trồng khác. Tương tự với chăn nuôi bò thịt sau 1 năm tuổi, đạt trọng lượng bình quân 180-200kg/con. Sau 2 năm tuổi, bò cái bắt đầu sinh sản. Sau 5 năm chăn nuôi, mỗi hộ có thêm từ 3 - 5 con bê con. Và mô hình chăn nuôi heo sau 1 năm tuổi bắt đầu sinh sản, mỗi hộ có thể tăng thêm từ 30 - 40 con heo con mỗi năm…

“Kết quả đa dạng hóa sinh kế giảm nghèp bền vững ở huyện Lạc Dương giai đoạn năm 2024- 2025 không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập,mà còn góp phần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống trồng trọt, chăn nuôi; bảo vệ môi trường, nguồn nước; kiểm soát năng suất, chất lượng, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn...”, theo nhận định của cơ quan chuyên môn huyện Lạc Dương.

THÁNG 4/2024