Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024

Lên non gặp “nữ hoàng trà”

Ghi chép VĂN VIỆT


Đón Tết năm 2024, Công ty TNHH Kim Hoa Trà nhận hồi đáp các doanh nghiệp đã khảo sát nhu cầu thị trường Hoa Kỳ và bắt đầu kết nối tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm trà thạch châu trồng và chế biến tập trung tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Phóng viên trở lại khu vườn đồi 7 ha trà Thạch Châu mệnh danh “nữ hoàng trà” giữa núi đồi sinh thái tự thiên nhiên, cảm nhận hương vị dược liệu đặc trưng nồng đượm của vùng đất bazan Tây Nguyên bổ trợ sức khỏe con người, tiềm tàng  giá trị bên trong sắc màu vàng lộng lẫy, kiêu sa.

Lấy hom cành từ cây Thạch Châu trăm năm tuổi

Tân quản lý nông trại 7 ha “nữ hoàng trà” Thạch Châu, anh Lục Hòa 44 tuổi tâm sự mới hơn 3 tháng từ đô thị Sài Gòn năng động cuồn cuộn lên thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng bỗng chốc nhịp sống níu giữ chầm chậm, thong thả đến không ngờ. Mỗi sáng thức dậy với bình trà Thạch Châu vàng óng, đón làn gió mát lành hương rừng trà Thạch Châu, trong người khoan khoái lạ lùng. Công việc mỗi ngày rảo bước một vòng các phân khu sinh thái “nữ hoàng trà” trong tổng thể diện tích 7 ha từ lúc nào không hay, anh Lục Hòa trở thành người thân thiện với từng quần thể, từng tuổi sinh trưởng, từng trạng thái của cây Thạch Châu. Anh Lục Hòa nói: “ Trong 3 tháng vừa qua, trà Thạch Châu vào mùa nở hoa vàng, phát tán hương sắc một vùng trời thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Thưởng trà, ngắm hoa, điều hành và cùng nhân viên thăm nắm, chăm sóc thạch châu trà mỗi ngày, được nhận lại một nguồn năng lượng tích cực hôi tụ và tỏa ra từ rừng “nữ hoàng trà”, nhận biết tâm mình trở về thảnh thơi, an bình…”  

Quản lý nông trại Lục Hòa, 44 tuổi gọi phụ trách kỹ thuật Lầu Quốc Thưởng, 39 tuổi dẫn phóng viên xuống thung lũng rồi lên đồi cao Thạch Châu trong buổi sáng mùa đông cuối năm Quý Mão, nắng hanh vàng. Bước xuống đầu cổng trại, bao quát tầm nhìn một vạn cây “nữ hoàng trà” đã chuyển đổi xanh bắt đầu mười mấy năm trước, bao bọc tứ bề những thửa vườn cà phê, đồi trà ô long lâu năm canh tác theo quy trình an toàn xuất khẩu. Từ tỉnh miền núi phía Bắc đầu quân phụ trách kỹ thuật và trực tiếp thực hành nhân giống Thạch Châu hoa vàng ở nông trại mười ba năm trước, Lầu Quốc Thưởng kể lại khu đồi đất 7 ha thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà trồng cà phê và các loại hoa màu ngắn ngày, nhưng vì nhiều nguyên do khó khăn về vốn, nguồn giống, kỹ thuật và thị trường, nên người dân địa phương thu hoa lợi hàng năm không đáng kể bao nhiêu. Năm 2012 khi sang nhượng về chị Lê An Na mới hơn 30 tuổi đến từ Hà thành để xuống giống cây “nữ hoàng trà” Thạch Châu, khu đồi đất 7 ha đã dần chuyển động thay da đổi thịt, tạo sinh thái mới định canh bảo tồn cho loài cây dược liệu quý hiếm bây giờ.

Dừng lại bên hàng cây Thạch Châu xanh đượm, phụ trách kỹ thuật Lầu Quốc Thưởng chia sẻ: “Đây là hàng cây Thạch Châu cao trung bình đến 5m, đường kính tán rộng khoảng 3m, đều được nhân giống bằng giâm hom cành lấy từ quần thể cây giống Thạch Châu cả trăm năm tuổi sinh trưởng trong vùng rừng hoang dã của tỉnh Lâm Đồng từ năm 2010. Lúc đó ngước mắt nhìn lên cây cao chót vót lên trời xanh, ước chừng 18- 20m. Đưa một số hom ở ngọn cành về khu đồi Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà nhân giống những tháng đầu tiên đạt tỷ lệ rất thấp. Hơn 2 năm tiếp theo nỗ lực phân tích đặc điểm cây rừng Thạch Châu nguyên bản trên môi trường đất nông nghiệp, tìm ra nhu cầu sinh thái của cây để hoàn thiện quy trình chăm sóc thuận hòa với đồi núi đa dạng cây trồng, sau đó mới nhân giống thuần dưỡng cây con khỏe mạnh đạt tỷ lệ cao, đảm bảo sinh trưởng chất lượng cây đầu dòng đến nay…”

Phủ xanh từ 100 ha Thạch Châu “nữ hoàng trà”


Cũng theo lời kể của phụ trách kỹ thuật Lầu Quốc Thưởng, kết quả nhân giống hom cây “nữ hoàng trà” thành công tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà xuất phát bởi chủ nhân Lê An Na giúp đưa đi học nghề từ các giáo sư tiến sĩ, thạc sĩ đầu ngành lâm nghiệp, ngành trà của Việt Nam tốt nghiệp từ các nước châu Âu, châu Úc…Bên cạnh đó còn “khăn gói” thọ giáo và thực hành dài ngày dưới sự hướng dẫn của giáo sư một viện ngân hàng gene trà hoa vàng của Trung Quốc. Từ những kiến thức lĩnh hội kết hợp với kinh nghiệm thực địa, Lầu Quốc Thưởng dưới sự đồng hành cầm tay chỉ dẫn, chọn giải pháp hữu hiệu nhất của chủ nhân Lê An Na đã giúp thuần thục kỹ thuật nghề nhân giống, chăm sóc và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung 7 ha của nông trại, qua đó tư  vấn, thi công các công  viên, vườn rừng chuyên canh Thạch Châu “nữ hoàng trà” trong tỉnh Lâm Đồng, đạt mật độ tối ưu trên dưới 2.200 cây/ha.

 “Giai đoạn năm 2019- 2021, từ nguồn cây giống canh tác đạt chất lượng khai thác hom cành đầu dòng tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Công ty TNHH Kim Hoa Trà của chị Lê An Na làm Giám đốc đã thiết kế, trồng mới cây Thạch Châu “nữ hoàng trà” trong khuôn viên các Trường Đại học Đà Lạt, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Dự trữ khe nước trong Quảng Bình, mỗi nơi hàng ngàn cây trưởng thành 5 năm tuổi trở lên. Đến nay chiều cao mỗi cây ở những nơi này phát triển khoảng từ 5 m trở lên… ”, phụ trách kỹ thuật Lầu Quốc Thưởng nói chi tiết hơn.


Đáng kể trước đó khi Thạch Châu “nữ hoàng trà” chạm ngưỡng 5 năm tuổi, nông trại tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà của chị Lê An Na trở thành điểm đón thường xuyên đoàn khảo sát, nghiên cứu của tổ chức trà trong nước và trên thế giới, sinh viên trường đại học chuyên ngành dược, lâm nghiệp, nghiên cứu sinh làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ. Như luận văn thạc sĩ của một học viên chuyên ngành dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội đã kết luận rừng Thạch Châu của Công ty TNHH Kim Hoa Trà, thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà với các hợp chất phân lập tác dụng chống oxi hóa, bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương, chống viêm, kháng khuẩn, ngăn chặn khả năng nhân lên của virus HIV, ức chế sự gắn kết của ADN gây ung thư…Đặc biệt, một Phó Giáo sư- Tiến sĩ Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực nghiệm trên lá trà Thạch Châu Pyrenaria Joinqueriana P. thu hái tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà rửa sạch, phơi khô và bảo quản giữ độ tươi, tiếp tục xác định hoạt tính kháng oxi hóa, kháng khuẩn rất cao hơn trà xanh và các loại trà hoa vàng khác đã công bố trên các tài liệu khoa học trong và ngoài nước…

Mai này…Thạch Châu của Việt Nam

Đến thời điểm cuối năm 2023, việc bảo tồn 7 ha Thạch Châu thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà cơ bản “vuông thành sắc cạnh”, phụ trách kỹ thuật Lầu Quốc Thưởng đã “bám rễ xanh cây” xây dựng gia đình, lập nghiệp sinh sống nơi này.  Thưởng cho biết năng lực của Công ty TNHH Kim Hoa Trà thiết kế, nhân giống trồng mới đồng loạt thành vùng nguyên liệu dược liệu quý “nữ hoàng trà” tập trung khu vực Tây Nguyên từ 100 ha trở lên.  Còn quản lý nông trại Lục Hòa tiết lộ đã hoàn chỉnh dây chuyền tự động chế biến trà túi lọc quảng bá, kết nối thị trường trong và ngoài nước, trong đó có thị trường Hoa Kỳ ghi nhớ đặt hàng số lượng lớn bắt đầu từ năm mới 2024 nói trên…

Thưởng thức trà túi lọc Thạch Châu “nữ hoàng trà” của Công ty TNHH Kim Hoa Trà một sáng mùa đông Đà Lạt, phóng viên xác tín lần nữa công dụng cam kết trên bao bì sản phẩm “ Mỗi cây trà thu hái một năm chỉ 2 lần. Lá trà đã được tiêu chuẩn hóa hoạt chất, có tác dụng chống ô xy hóa, lão hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ tế bào gan, chống viêm, làm bền thành mạch máu, phòng chống các bệnh tim mạch, thanh gọn cơ thể, giúp ngủ ngon hơn…”

Cùng lúc này, phóng viên kết nối với chủ nhân Lê An Na đang giới thiệu “nữ hoàng trà” Thạch Châu đặc hữu của vùng Tây Nguyên Việt Nam ở Hoa Kỳ, ghi nhận những khát vọng của chị cùng cộng sự Lục Hòa, Lầu Quốc Thưởng “nếu như thế giới nhắc đến trà ô long Đài Loan, trà xanh nước Nhật, trà đen nước Anh thì một ngày không xa sẽ nhắc đến trà Thạch Châu của Việt Nam…”

Tết Gíp Thìn 2024