VĂN
VIỆT
Mục tiêu trong 2 năm 2024 và 2025, huyện Lạc Dương huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều hàng năm giảm từ 3 - 4%/năm; đến năm 2025 tỷ lệ nghèo đa chiều còn dưới 0,5%.
Đánh giá sơ bộ trong những năm qua, huyện Lạc Dương
đã tập trung nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án xây dựng
và phát triển sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa
bàn. Cụ thể hỗ trợ con giống, trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn
nuôi bò vàng địa phương theo hình thức bán thâm canh với 5 con/mô hình; hỗ trợ
con giống, máy sơ chế thức ăn, chuyển giao kỹ thuật nuôi heo địa phương nhốt
chuồng với 10 con/mô hình.
Toàn huyện Lạc Dương cũng đã phát triển hiệu quả các
mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân đối với
các loại cây trrồng như cà phê (Công ty ACOM); atiso (Công ty cổ phần dược Lâm
Đồng; Công ty TNHH Vĩnh Tiến); nấm hương (Công ty cổ phần Nguyên Long); chuối
Laba (Công ty cổ phần Chuối Việt; Cơ sở sản xuất Lang biang).
Tính chung trong 2 năm 2022- 2023 với nguồn vốn phân
bổ hơn 3,3 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia, huyện Lạc Dương đã giải
ngân 100% kế hoạch phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên 5 xã với 282 hộ
thụ hưởng. Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương còn huy động các nguồn lực khác hỗ trợ
hộ nghèo, hộ cận nghèo 61 căn nhà, cải thiện sinh kế hơn 100 hộ. Kết quả đến cuối
năm 2023, toàn huyện Lạc Dương giảm 5,4% tỷ lệ nghèo đa chiều.
Huyện Lạc Dương có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và lợi thế cạnh tranh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao như rau, hoa, cà phê, cây đặc sản, dược liệu, cá nước lạnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với nhiều chương trình, dự án triển khai, huyện Lạc Dương đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo cây giống tái canh, trồng dặm cây cà phê, cây hồng ghép ăn trái trồng xen canh với diện tích 185,8ha; cây mắc ca ghép trồng xen canh với diện tích 36,7ha; 80 hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò thuộc dự án JICA; mở rộng 5 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản…
Tuy nhiên theo đánh giá cho thấy: “Huyện Lạc Dương
xuất phát điểm thấp, dân cư phân bố không đều, giao thông kết nối hàng hóa nông
sản tập trung còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm nông sản có hợp đồng liên kết
bao tiêu khá thấp. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt trình
độ, khả năng tiếp cận kỹ thuật trong sản xuất vẫn còn ở mức cơ bản, chưa có nhiều
ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hầu hết sản xuất nông nghiệp quy
mô nhỏ lẻ, kỹ thuật chăm sóc theo kinh nghiệm, chưa kiểm soát được năng suất,
chất lượng sản phẩm. Nguồn vốn phân bổ phát triển sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu
hỗ trợ giảm nghèo của địa phương…”
Để khắc phục những hạn chế,
khó khăn, đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều trong 2 năm 2024, 2025, huyện Lạc Dương
đề xuất tiếp tục hỗ trợ 531 hộ nghèo, hộ cận nghèo
và hộ mới thoát nghèo về cây giống, con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư
nông nghiệp thiết yếu để giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống,
vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời
hỗ trợ xây dựng và nhân rộng 100 mô hình chăn nuôi heo, 55 mô hình nuôi
bò phù hợp với điều kiện và khả năng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới
thoát nghèo trên địa bàn, quy mô chăn nuôi không quá 5 con/mô hình…
Huyện Lạc Dương xác định các nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững; chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua các mô hình, các lớp tập huấn thực hành tại hiện trường; phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các mô hình, thường xuyên bám sát theo dõi, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hành đảm bảo quy trình kỹ thuật sản xuất. Qua đó nhân rộng các mô hình có hiệu quả thực tế, lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn.
tháng 2/2024