Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Hướng phát triển của cây công nghiệp chủ lực

VĂN VIỆT

Đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực cả nước như chè, cà phê, cao su, điều, tiêu…đạt khoảng 2,1 - 2,3 triệu ha, kim ngạch xuất khẩu từ 14 - 16 tỷ USD. Trong đó chiếm tỷ lệ 80- 90% diện tích trồng mới, trồng tái canh, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP và tương đương.

DIỆN TÍCH CHÈ LÂM ĐỒNG LỚN NHẤT TÂY NGUYÊN

Trước mục tiêu này, các loại cây công nghiệp chủ lực cả nước nói chung, Lâm Đồng nói riêng đang cần những giải pháp phát triển theo quy hoạch, khắc phục tình trạng được mùa, rớt giá, tăng cường đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh sản phẩm trên trị trường.

Cụ thể đến năm 2030, tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 640 – 660.000 ha, năng suất trung bình 3 tấn/ha. Trong đó 600.000ha sản xuất tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum); 16.500ha tập trung tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La khoảng 28.000 ha...Diện tích trồng cà phê đạt các tỷ lệ 80-90% sản lượng thu hái đúng độ chín; 70% được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không gây mất rừng và suy thoái rừng; 60 - 70% sản xuất theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; 40 - 50%  xen canh; 35 - 40% tiêu chuẩn an toàn VietGAP, UTZ, Flo, C.A.F.E. Practices, RAT; 30 - 40% sản lượng xuất khẩu.

Với cây chè cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 120 – 125.000ha, sản lượng 1,2 - 1,4 triệu tấn búp tươi. Phân bổ vùng Tây Nguyên chủ yếu trồng tại tỉnh Lâm Đồng 8.000 – 10.000 ha; miền núi phía Bắc  98 – 100.000ha; Bắc Trung Bộ 10 – 12.000ha. Trong đó khoảng 70% diện tích chè GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ, và tiêu chuẩn tương đương; 70% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng; đa dạng hóa sản phẩm chè ô long, chè túi lọc, chè bột matcha, chè đỏ, chè trắng, chè bánh...

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích chè lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đồng thời có diện tích trồng chè khá lâu ở Việt Nam. Với địa hình đồi núi, độ cao trung bình từ 800 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và đất đai phù sa màu mỡ; nên chất lượng chè của Lâm Đồng với hương thơm, vị ngọt đặc trưng. Bên cạnh đó, việc cấp mã số vùng trồng trong nước đang được thí điểm tại xã Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Gung Ré, Tân Châu và thị trấn Di Linh, huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng với gần 15.000 nông hộ với diện tích cà phê khoảng 11.540 ha...”, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tương tự đến năm 2030 cây điều với tổng diện tích 280 – 300.000 ha, năng suất 1,4 1,6 tấn/ha, kim ngạch xuất khẩu trên 3,5 - 4 tỷ USD. Vùng sản xuất trọng điểm gồm các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 170 – 180.000ha), các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk 80 – 90.000ha. Bao gồm thâm canh chiếm 40-50%; hữu cơ chiếm khoảng 10 - 15% diện tích; tái canh và cải tạo 50 – 60.000 ha điều già cỗi; trồng xen 20 – 25.000ha. Tỷ lệ chế biến sâu nhân điều 25 - 30%, vỏ hạt điều chế biến dầu 50 -60%.  Với cây tiêu ổn định 80 – 100.000ha, năng suất 2,4 – 2,5 tấn/ha. Phân bổ vùng Tây Nguyên (gồm Lâm Đồng) 50 – 60.000ha, Đông Nam Bộ 25 – 30.00 ha, còn lại 5 – 10.000ha được trồng tại các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình, kim ngạch xuất khẩu 1,1 - 1,3 tỷ USD/năm. Các tỷ lệ diện tích trồng tiêu khoảng 40% tiêu chuẩn GAP và tương đương; 5% hữu cơ; 40% được cấp mã số vùng trồng. Sản phẩm tiêu chất lượng cao 80 - 90%; khối lượng tiêu đen chiếm khoảng 70%, khối lượng tiêu trắng chiếm khoảng 30%; khối lượng tiêu nghiền bột chiếm khoảng 20 - 25%.

Ngoài ra cây cao su trong nước đến năm 2030 khoảng 800 – 850.000ha, năng suất lên 1,8 - 2 tấn mủ/ha. Vùng sản xuất tại Đông Nam bộ 480 – 500.000 ha, Tây nguyên 180 - 200.00ha; Nam Trung Bộ 55 – 60.000 ha; Bắc Trung Bộ 58 60.000ha, Tây Bắc 20 – 23.000 ha. Giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 3,6 - 4 tỷ USD, sản phẩm gỗ cao su 2,8 - 3 tỷ USD. Đến năm 2030 tỷ lệ mủ cao su sử dụng trong nước trên 40%. Tổ chức trồng cao su theo hướng đại điền, diện tích cao su liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 70%, được cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 250-300.000 ha; 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...

LIÊN KẾT SẢN XUẤT GẮN VỚI CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ

Với định hướng đến năm 2030 nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với cây cà phê tiếp tục có chính sách hỗ trợ các địa phương tái canh, tổ chức các phiên đấu giá sản phẩm trong nước, phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, cà phê cảnh quan. Với cây chè cần có giải pháp hỗ trợ để nông dân phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tích cực xúc tiến thương mại. Với ngành sơ chế cao su thiên nhiên là mã ngành hàng nông nghiệp, không áp mã ngành hóa chất; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư chăm sóc, bảo vệ, khai thác bền vững nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra nên rà soát, phân loại vườn điều già cỗi, năng suất thấp để xây dựng kế hoạch trồng cải tạo, thay thế giống điều có chất lượng. Không phát triển thêm các cơ sở chế biến hạt điều mới, cần tái cơ cấu, đổi mới quản lý nâng cao năng lực các cơ sở hiện có bằng các giải pháp đổi mới thiết bị, sử dụng công nghệ tự động hóa các công đoạn chế biến, đa dạng các sản phẩm chế biến nhân điều và phụ phẩm từ điều, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở chế biến - xuất khẩu điều với vùng trồng điều ở trong nước và các nước Campuchia và Lào...

tháng 2/2024