Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở Đơn Dương

VĂN VIỆT

Huyện Đơn Dương tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương để tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng thị trường, gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, phát triển theo chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Kết thúc năm 2023, sản xuất nông nghiệp huyện Đơn Dương tiếp tục ổn định và phát triển, tổng diện tích gieo trồng rau thương phẩm 28.225ha (sản lượng đạt 954.000 tấn), cây ăn quả (1.525 ha), bắp (700 ha), hoa (277 ha). Riêng cây cà phê 1.310 ha, giảm 199 ha chuyển sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như rau, cây ăn quả. Trên diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng rau thương phẩm (44,5ha), trồng củ năng (16 ha).

Tính chung tổng diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao toàn huyện Đơn Dương duy trì 11.243 ha, chiếm 95,6% tổng diện tích canh tác. Trong đó diện tích nhà kính, nhà lưới (2.879ha); tưới tự động, nhỏ giọt ngoài nhà kính, nhà lưới (8.011 ha); điều khiển nhiệt độ, ánh sáng độ ẩm đất (288 ha), canh tác không dùng đất (33 ha), nông nghiệp hữu cơ (56,6ha). Bên cạnh việc duy trì và nâng cao các tiêu chí 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về sản xuất rau được công nhận tại xã Lạc Xuân và xã  Lạc Lâm với gần 285 ha, huyện Đơn Dương phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Lâm Đồng cấp 11 giấy Chứng nhận VietGAP cho 11 tổ chức, cá nhân, nâng tổng số 356 giấy Chứng nhận VietGAP với diện tích 640ha. Ngoài ra các xã, thị trấn trong huyện Đơn Dương tổ chức  lớp tập huấn chuyên đề cấp và quản lý mã số vùng trồng. Đến cuối năm 2023 đã hoàn thành hồ sơ và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng ban hành 6 giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng.

“Toàn huyện Đơn Dương trong năm 2023 giảm mạnh diện tích tưới tự động và nhỏ giọt ngoài nhà kính, nhà lưới; tăng diện tích nhà kính, nhà lưới đồng bộ hệ thống tưới tự động và diện tích điều khiển tự động nhiệt độ, ánh sáng độ ẩm; nâng cao chất lượng tự động hóa, cảm biến thông minh trong diện tích nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình rau, hoa ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhân rộng hiệu quả. Huyện Đơn Dương tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng hệ thống tưới thông minh, hệ thống điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ tự động...”, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho biết.

           Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi ở huyện Đơn Dương duy trì ổn định, không có dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra. Tổng đàn trâu (2.471 con); bò sữa 16.298 con (nông hộ chăn nuôi 11.942 con, doanh nghiệp nuôi 4.356 con); bò thịt (12.181 con); heo (6.550 con); gia cầm (222.442 con). Trong năm 2023, các công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu đã điều chỉnh tăng giá từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với đầu năm 2022. Từ ngày 15/4/2023, các công ty sản xuất thức ăn bò sữa cũng đã giảm giá cám từ 10.000-20.000 đồng/bao để chia sẻ những khó khăn, tạo tâm lý yên tâm cho người chăn nuôi.

Tiếp tục xác định chăn nuôi bò sữa là ngành chăn nuôi chủ lực của địa phương, đàn bò sữa duy trì ổn định, tập trung chủ yếu tại địa bàn 2 xã Đạ Ròn và xã Tu Tra. Phương thức chăn nuôi bò sữa luôn được các cơ sở cải tiến từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, chuồng trại, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, đầu tư đồng bộ trang thiết bị. Trên địa bàn huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động thêm 1 nhà máy chế biến sữa, nâng tổng số 3 nhà máy chế biến sữa và 1 nhà máy chế biến phô mai. Tất cả có 5 công ty với 11 trạm, điểm thu mua, bảo quản sữa tươi nguyên liệu; 100% hộ, trang trại chăn nuôi bò sữa ký kết hợp đồng mua bán sữa tươi nguyên liệu; duy trì ổn định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi bò sữa tại xã Tu Tra và xã Đạ Ròn; đất trồng cỏ chăn nuôi phát triển chủ yếu trên đất hiện có và đất trồng bắp, cà phê…

Trong năm 2024, huyện Đơn Dương tiếp tục phát triển 3 vùng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau thuộc xã Lạc Xuân, xã Lạc Lâm và trong chăn nuôi bò sữa tại 2 xã Tu Tra và Đạ Ròn. Đồng thời phát triển thêm 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại rau tại thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân (112ha/127 hộ); khu vực Đồi Tây, thôn Quảng Thuận, xã Quảng Lập (121ha/60 hộ); thôn Nghĩa Hiệp 1 và Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô (100ha/50 hộ); thôn Pró Trong, xã Pró (100ha/50 hộ).

tháng 2/2024