Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Mở rộng diện tích chuối Laba để thoát nghèo

VĂN VIỆT

Những năm gần đây, cây chuối Laba giống gốc từ xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà cho thấy thích hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng nông nghiệp huyện Lạc Dương. Để mở rộng những vùng sản xuất tập trung chuối Laba, góp phần thoát nghèo bền vững, huyện Lạc Dương cần thiết triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính sách hỗ trợ, chuyển giao quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch và xúc tiến tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu.  

Tính đến hết tháng 9 năm 2023, toàn huyện Lạc Dương đạt tổng diện tích gieo trồng gần 15.495 ha. Trong đó bên cạnh diện tích rau, hoa các loại (7.578 ha), cà phê (hơn 5.100 ha), huyện Lạc Dương đã phát triển có kết quả 70 ha chuối Laba. Đặc biệt cây chuối Laba ở huyện Lạc Dương không chỉ mở rộng diện tích quy mô sản xuất nông hộ, mà còn xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô tập trung, ổn định thời gian dài. Đó là năm 2020, từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Lạc Dương đã phê duyệt mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối Laba tại địa bàn xã Đưng K’Nớ. Đến nay sau 3 năm hoạt động, mô hình liên kết đã thu hút gần 80 nông hộ tại địa bàn xã Đưng K’ Nớ tham gia sản xuất trên tổng diện tích gần 19 ha chuối Laba.  

“Chuối Laba là một loại cây trồng ngắn ngày, suất đầu tư không cao, quy trình trồng và chăm sóc đơn giản, phù hợp với trình độ canh tác của người dân trên các vùng nông nghiệp huyện Lạc Dương. Bên cạnh đó chuối Laba được biết đến một loại quả có tác dụng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, kiểm soát lượng đường huyết, cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, chống oxi hóa, giúp chống thiếu máu, tăng độ nhạy isulin...”, theo cơ quan chuyên môn huyện Lạc Dương.

Qua khảo sát thị trường hiện nay, nhu cầu thu mua chuối Laba với sản lượng lớn để phục vụ cho sơ chế, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trong khi diện tích và sản lượng chuối Laba tại huyện Lạc Dương chưa nhiều. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chuối Laba, cần thiết phải tạo vùng nguyên liệu tập trung chuỗi liên kết giá trị quy mô lớn, kiểm soát chất lượng của toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh chuối. Trong đó chú trọng đầu tư, hỗ trợ cây giống chuối Laba để khuyến khích nông hộ tham gia mô hình liên kết, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương tiếp tục bố trí kinh phí triển khai hỗ trợ các thủ tục cấp các chứng nhận hữu cơ, chứng nhận OCOP, mã số vùng trồng cho sản phẩm chuối Laba để góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm lợi thế so sánh của địa phương. 

Được biết, ngày 17/10/2023, UBND huyện Lạc Dương tiếp tục phê duyệt mô hình liên kết sản xuất chuối Laba, triển khai đến năm 2025. Cụ thể mô hình triển khai các xã Đạ Chais 50 hộ (11,8 ha); Đạ Sar 42 hộ (10,5 ha); Đạ Nhim 39 hộ (7,65 ha); Đưng K’Nớ  19 hộ (4,75 ha) và xã Lát 12 hộ (3 ha). Lựa chọn các hộ tham gia mô hình sản xuất liền vùng, liền thửa, nhằm tiết kiệm nhân công, chi phí đầu tư, thuận lợi đối với quy hoạch tập trung, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thâm canh tăng năng suất. Đồng thời cam kết tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật canh tác, đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm chuối Laba của thị trường cạnh tranh.

Giải pháp mở rộng diện tích chuối Laba đến năm 2025, huyện Lạc Dương tập trung hướng dẫn nông dân thực hành theo quy trình tạm thời canh tác cây chuối hữu cơ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, mỗi ha trồng theo mật độ 1.100 cây. Bên cạnh đó bố trí kinh phí tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng và sơ chế chuối Laba cho các hộ dân tham gia mô hình.

Ở khâu đầu ra sản phẩm chuối Laba, UBND các xã trong huyện Lạc Dương trách nhiệm làm cầu nối ký kết các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ giữa tổ hợp tác với hợp tác xã và các doang nghiệp trên địa bàn.

*THÁNG 11/2023