Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Phát triển vùng DTTS- bước chuyển đáng kể

VĂN VIỆT

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Đam Rông đã triển khai lồng ghép với các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên đầu tư các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đến nay kết quả chuyển biến đáng kể.

Quán triệt Nghị quyết 14 và xây dựng Chương trình hành động

Bước đầu tiên phổ biến Nghị quyết 14-NQ/TU, ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018- 2025, tầm nhìn năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã xây dựng Chương trình hành động, tổ chức quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cốt cán trong vùng đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện. Bước tiếp theo, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện Đam Rông xây dựng và triển khai Chương trình hành động với những giải pháp cụ thể về chăm lo đời sống vât chất, tinh thần cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS, đồng thời thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở.

Đến bước triển khai đưa Nghị quyết 14-NQ/TU vào cuộc sống, huyện Đam Rông tập trung giải pháp phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Trong đó chú trọng chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế so sánh ở địa phương theo Đề án của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, phát triển đàn bò thit cao sản, phát triển tơ tằm bền vững…Cụ thể huyện Đam Rông tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, tập trung đầu tư phát triển quy mô lớn các vùng chuyên canh dâu tằm, cây lương thực tại 3 xã Đầm Ròn; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng; chuyên canh cà phê, cây ăn quả, rau các loại tại xã Rô Men, xã Đạ R’Sal, Liêng Srônh. Đồng thời huyện Đam Rông từng bước chuyển đổi quy mô chăn nuôi từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; phát triển đàn gia súc, đặc biệt là đàn bò thịt gắn với phát triển đồng cỏ. Bên cạnh đó huyện Đam Rông đã và đang nâng cao hiệu quả nhiều mô hình nuôi cá tầm quy mô kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại đạt năng suất và giá trị kinh tế ngày càng cao.

Tạo điều kiện tăng thu nhập cho hộ gia đình DTTS

“Nhìn chung trong những năm qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp của huyện Đam Rông đã có bước chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao, tăng giá trị sản phẩm trên diện tích cây trồng và vật nuôi, từ đó tạo điều kiện tăng thu nhập cho người nông dân cải thiện đời sống kinh tế của hộ gia định, nhất là hộ gia đình người đồng bào DTTS…”, đánh giá của UBND huyện Đam Rông cho biết.

Đến nay, toàn huyện Đam Rông đã giao hơn 3.653ha diện tích đất cho người dân trồng rừng kinh tế, góp phần duy trì độ che phủ rừng 65%. Bên cạnh đó hàng năm huyện Đam Rông đã tổ chức giao khoán cho 2.640 hộ dân nhận quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích khoảng 38.555ha, góp phần tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình. Kết quả hơn 2 năm vừa qua, bình quân mỗi năm, huyện Đam Rông giảm tỷ lệ hộ nghèo 6%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào DTTS giảm gần 20%. Hiện tại Đam Rông có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã thoát khỏi Chương trình 135 và 27 thôn thoát khỏi đặc biệt khó khăn. Các tỷ lệ khác về phát triển vùng DTTS huyện Đam Rông đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra gồm: 100% đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; cứng hóa trên 70% đường trục giao thông đến thôn, bản; 97% hộ gia đình sử dụng điện; 95% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%…

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng giai đoạn năm 2021- 2025, huyện Đam Rông đẩy mạnh các nhóm giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là giải pháp chính sách “hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, định canh, định cư, hỗ trợ vốn vay sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo; huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện thắng lợi cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn…”

THÁNG 7/2021