Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản những tháng cuối năm

VĂN VIỆT

 

Do tình hình giãn cách phòng, chống đại dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành miền Đông, miền Tây Nam bộ và nhiều khu vực khác trong nước, nhiều loại nông sản ở Lâm Đồng lâm vào tình trạng ùn ứ hoặc phải bán lỗ vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó thị trường nông sản xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn với cước vận chuyển và giá thuê container tăng cao, nên Lâm Đồng cần nhiều biện pháp  cấp thiết tháo gỡ để thúc đẩy tiêu thụ những tháng còn lại của năm 2021.

Giá cả nông sản theo chiều hướng giảm dần

Theo Ban Xúc tiến tiêu thụ nông sản và Phát triển sản phẩm OCOP Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng rau, củ, quả toàn tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ trong nước chiếm tỷ lệ hơn  81% (hơn 680.685 tấn), tiêu thụ xuất khẩu chiếm gần 19% (gần 160.000 tấn). Cụ thể thị trường trong nước gồm thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành miền Trung, miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ chiếm lần lượt các tỷ lệ 10%, 15%, 60% và 15%. Thị trường xuất khẩu chiếm phần lớn đến khu vực Đông Á (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan), Asean (Singapore, Indonesia…), tỷ lệ xuất khẩu còn lại sang các nước EU (Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan).  

Đánh giá tổng thể 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, thị trường rau, củ, quả Lâm Đồng tiêu thụ trong nước với giá cả theo chiều hướng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4 do thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng. Ngược lại giá cả tăng dần từ thời điểm tháng 5 đến tháng 6 do thời tiết mưa nhiều, sản lượng rau ngoài trời giảm sút. Tuy nhiên cùng thời điểm này, thị trường TPHCM tiêu thụ rau, củ, quả Lâm Đồng giảm xuống rất nhanh do bùng phát đại dịch Covid-19. Qua khảo sát từ lúc xuất hiện dịch bệnh Covid- 19 đến nay, các siệu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, chợ truyền thống cùng lúc siết chặt các biện pháp phòng, chống Covid-19, dần dần hạn chế và đi vào tạm dừng hoạt động kinh doanh, dẫn đến sản lượng rau tiêu thụ tiếp tục giảm sâu so với thời điểm trước khi xuất hiện đợt dịch mới này. Riêng thị trường rau, củ, quả xuất khẩu trong thời gian này nhờ ký kết trước hợp đồng hiệu lực trong một năm, nên phần lớn sản lượng tiêu thụ và giá rau, củ quả về cơ bản vẫn thông thương.

Tương tự giá các loại hoa cắt cành bắt đầu giảm từ cuối tháng 2 đến tháng 4 và giảm mạnh trong tháng 5 khi TPHCM thực hiện các biện pháp cách ly phòng chống dịch Covid-19, các chương trình hội nghị, lễ hội phải hủy, hệ thống nhà hàng tạm dừng hoạt động…, dẫn đến sản lượng nhiều, tiêu thụ ít, đã kéo giá hoa liên tục giảm xuống đến hơn 50% trước khi xảy ra đợt dịch Covid- 19 này. Hiện nay các loài hoa Đà Lạt và vùng phụ cận như hồng môn, cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền, lily…đang tiêu thụ chậm hoặc phải ùn ứ do người dân TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ trong điều kiện giãn cách phòng, chống Covid- 19, chủ yếu tập trung tiêu dùng ở mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu…

Điều chỉnh cơ cấu mùa vụ phù hợp với thị trường

Các mặt hàng nông sản chế biến xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 như cà phê ước tổng sản lượng khoảng 27.500 tấn, tương ứng gần 51,6 triệu USD; chè với tổng sản lượng khoảng 3.200 tấn, tương ứng gần 7,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái đối với cà phê và chè chế biến lần lượt giảm sản lượng gần 57,4% và hơn 23,2%, giảm giá trị 46% và gần 24,2%. Ngoài ra cũng so với cùng kỳ năm ngoái, giá bơ 034 Lâm Đồng giảm từ 15- 20.000 đồng/kg…

 “Thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, biến động theo các thông tin về tình hình dịch bệnh. Một số nông sản như hoa giảm mạnh so với cùng kỳ và thời điểm trước khi dịch bùng phát; cước vận chuyển quốc tế và giá thuê container cao và khan hiếm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Sản phẩm bơ, sầu riêng tiêu thụ qua chuỗi còn chiếm tỷ lệ không nhiều, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái tự do, vì vậy gặp nhiều khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19…”, theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Đế thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong những tháng cuối năm 2021, vào giữa tháng 6 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã ký hợp đồng tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn với TPHCM tăng từ 26 chuỗi giai đoạn năm 2017- 2020 lên 41 chuỗi giai đoạn năm 2021- 2025. Tương ứng sản lượng tiêu thụ nông sản các loại từ 63.000 tấn/năm tăng lên 94.000 tấn/năm, 

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên trách kịp thời điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, các đối tượng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là các đối tượng cây ngắn ngày như rau, hoa…để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Đồng thời rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động các cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn đế áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, ổn định đầu ra ngay sau khi dịch bệnh được khống chế…/.

THÁNG 7/2021