Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Phát huy lợi thế trên từng vùng nông nghiệp

VĂN VIỆT

Tỉnh Lâm Đồng với nhiều vùng sinh thái đặc trưng độ cao từ 500m đến 1.500m so với mặt biển đã trở thành lợi thế so sánh để canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

 Bên cạnh những thành tựu đáng kể trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang tiếp tục tổng hợp nhiều giải pháp mới để vượt qua khó khăn, khắc phục lúng túng trong việc tái cơ cấu cây trồng bền vững từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế, chế biến và tiệu thụ…

 Bài 1, Chuyển đổi gắn với xây dựng nông thôn mới

Gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt năng suất và lợi nhuận cao với xây dựng nông thôn mới trong 5 năm vừa qua, nhiều vùng nông nghiệp Lâm Đồng đã mang lại kết quả quan trọng vể xây dựng và tổ chức sản xuất mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng theo hướng phát triển toàn diện, bền vững.   

Thống kê trong 5 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi mới 83.489 ha diện tích cây trồng càc loại, trong đó diện tích tái canh cà phê lên đến 44.282ha. Tỷ lệ cây cà phê giống ghép, giống thực sinh đầu dòng, cây cà phê trồng xen canh với hệ thống cây che bóng, chắn gió đạt tỷ lệ lần lượt 60% và 13%. Cây chè cành giống cao sản và chè Đài Loan chiếm 60% trên tổng diện tích. Các giống cây trồng khác cũng đã được chuyển đổi đạt tỷ lệ khá cao như cây dâu tằm lai (85%); điều tái canh, cải tạo (17%); cây ăn quả chất lượng cao (70%). Các ngành hàng nông sản chủ lực tiếp tục ổn định diện tích canh tác với cây rau (28.000ha), chè (12.000ha), cà phê (174.000ha). Kết quả năng suất các loại cây trồng năm 2020 tăng trung bình 3% so với năm 2015.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng, vùng sản xuất rau, hoa Lâm Đồng đến nay phát triển thêm 7.000ha chuyển đổi từ các diện tích cà phê, lúa, rau màu kém hiệu quả trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Diện tích cây dâu tằm mở rộng thêm 4.000ha diện tích đất ven sông suối tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc. Ngoài ra diện tích cây ăn quả như bơ, sầu riêng, măng cụt…trong toàn tỉnh Lâm Đồng tăng 6.300ha, trong đó chiếm 80% diện tích trồng xen trong vườn cây công nghiệp; 20% diện tích cải tạo vườn tạp…

Tính riêng trên lĩnh vực trồng trọt đến giữa năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển 149 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, tổng số 14.330 hộ tham gia, diện tích 24.447ha, tổng sản lượng 364.674 tấn. Trong đó có 68 chuỗi liên kết được các tổ chức quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm an toàn. Tỷ lệ cây trồng đạt các tiêu chuẩn chứng nhận với tỷ lệ ngày càng tăng lên như: cà phê 4C, UTZ (43%), rau VietGAP (10%), chè VietGAP (3,75%), cây ăn quả VietGAP (0,8%)…

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã hợp tác liên kết với TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ…đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn. Đặc biệt tập trung phát triển thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP triển khai từ năm 2018 đến nay gắn với mô hình kinh tế tập thể đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên lĩnh vực nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng có 3 Liên hiệp HTX, 294 HTX với 7.557 thành viên. Trung bình mỗi HTX lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/năm, thu nhập người lao động 72 triệu đồng/người/năm, tăng 20% so với năm 2015.

Qua xếp loại có 80% HTX hoạt động hiệu quả, trong đó có 30% hoạt động khá. Ngoài ra toàn tỉnh Lâm Đồng còn có 292 THT nông nghiệp đang phát huy vai trò chiếc cầu nối giữa nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông, nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Tính chung giai đoạn năm 2015- 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng tăng 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 104 xã nông thôn mới. 4 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt huyện Đơn Dương đang xậy dựng trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lâm Đồng giảm từ 6,67% xuống còn 1,35%..

“Phần lớn các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn năm 2016- 2020 đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Vai trò chủ thể của người nông dân được khẳng định. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Môi trường sống được cải thiện, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển….”, Sở Nông nghiệp &PTNT Lâm Đồng nhận định.

Bài 2/ Sản phẩm có dư địa lớn- cơ cấu phù hợp hơn

THÁNG 7/2021