Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

Phát triển ao hồ nhỏ- những hiệu quả bước đầu

VĂN VIỆT

Với phương thức “Nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ ca máy” , chương trình phát triển ao hồ nhỏ trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng những năm gần đây  giúp nông dân chủ động được nguồn nước tưới, phòng chống hạn hán cho cây trồng

Qua đó đã tạo thành một phong trào được đa số người dân tại các địa phương đồng tình, hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tại một buổi làm việc mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, đánh giá trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai Đề án hỗ trợ phát triển ao hồ nhỏ phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, kết quả đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của người dân. Thống kê khối lượng đào ao hồ đạt 95% kế hoạch, diện tích cây trồng được nước tưới hàng năm tăng thêm 36% so với mục tiêu đề ra.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Lâm Đồng đã đào được 2.996 ao hồ nhỏ, đạt 54% kế hoạch. Tương ứng khối lượng đào hơn 7,9 triệu m³ phục vụ tưới tiêu tăng thêm 11.381ha diện tích đất nông nghiệp, đạt chỉ tiêu kế hoạch lần lượt 95% và 136%. Tổng kinh phí thực hiện hơn 71,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 55%, vốn Nhân dân đóng góp chiếm 45%.

Qua rà soát cho thấy, so sánh với kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016- 2020 thì số lượng ao hồ đào đạt tỷ lệ thấp hơn nhiều. Ngược lại khối lượng đào ao hồ và diện tích tưới tiêu đã tăng lên đáng kể. Cụ thể diện tích đào mỗi ao hồ nhỏ trong kế hoạch 500m2 với thể tích 1.500m3., nhưng trong thực tế ở các vùng trồng cây công nghiệp như Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm.., người dân đăng ký diện tích đào mỗi ao hồ nhỏ tăng lên 1.000m2, đạt thể tích nước 3.000m3, nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu chống hạn hiệu quả cho cây trồng mùa khô hàng năm. Hơn nữa với mức tính toán theo kế hoạch đào ao hồ diện tích 1.000m2 để cung cấp đủ nước tưới cho 1ha diện tích cây trồng vẫn còn khá khiêm tốn. Bởi thực tế mỗi ao hồ này được đào mới tại các khu vực có nguồn nước ngầm tại chỗ, nguồn nước tự chảy từ khe suối dẫn về, nên khả năng tưới tiêu đủ lượng nước cho cả mùa khô hàng năm với thể tích mỗi ao hồ khoảng 1.000m3, đáp ứng quá trình sinh trưởng đạt yêu cầu đề ra đối với các loại cây trồng trên diện tích khoảng 1,5ha ...

Với hiệu quả bước đầu giai đoạn 2016- 2020 nêu trên, trong năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đề xuất của Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển ao hồ nhỏ trên địa bàn từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời xây dựng kế họach hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn năm 2021 đến năm 2025.  
Dự kiến nhu cầu tại các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng năm 2021 đào mới 735 ao hổ nhỏ, tổng kinh phí hơn 16,6 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách hơn 9 tỷ đồng, cấp nước tưới ổn định cho khoảng 2.896ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Để đạt các chỉ tiêu kế hoạch này, UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án đúng tiến độ và khối lượng thực hiện theo quy định, trong đó lưu ý không giới hạn diện tích đào ao hồ tối thiểu; chỉ giới hạn dung tích nước chứa tối thiều 1.500m3/ao hồ; địa bàn thực hiện tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đồng thời tích cục rà soát, hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục hỗ trợ đào ao hồ nhỏ cho người dân đảm bảo chặt chẽ, tinh gọn, đúng quy định. Đáng chú ý khi tích nước trong ao hồ nhỏ vào mùa mưa, Sở Nông nghiệp &PTNT Lâm Đồng cần hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn.

Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng cũng được giao tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương để tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng trong quý 3/2021 ban hành Quyết định xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn năm 2021 đến năm 2025.

Đươc biết, quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn  theo Nghị quyết 103/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Lâm Đồng gồm tỷ lệ: 70% chi phí thiết kế và máy thi công đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã 30a, thôn nghèo, xã nghèo; 50% đối với các xã, thôn còn lại…/.

tháng 7/2021