Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Kinh nghiệm từ Đề án 2309

 VĂN VIỆT

Đề án 2309 của UBND tỉnh Lâm Đồng về trồng cây phân tán, cây che bóng giai đoạn năm 2017 - 2020 trên địa bàn đã rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn năm 2021- 2025.

Tỷ lệ cây sống gần 89%

Thực hiện Quyết định số 2309/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt Đề án trồng cây phân tán, cây che bóng giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn (gọi tắt là Đề án 2309), hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đổng đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào, lựa chọn những loài cây trồng đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng khu vực với phương châm “trồng cây nào sống tốt cây đó”. 

Kết quả, tổng số cây phân tán đã trồng trong toàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn từ năm 2017 – 2020 đạt gần 290.000 cây. Trong đó trồng nhiều nhất trong năm 2017 (101.166 cây), trồng ít nhất trong năm 2018 (49.080 cây), tổng kinh phí thực hiện gần 26,7 tỷ đồng. So với kế hoạch xây dựng trên cơ sở Đề án 2309 thì tổng số lượng cây phân tán các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng trồng được trong giai đoạn 2017- 2020 tăng 84.275 cây. Tỷ lệ cây trồng còn sống qua nghiệm thu đạt gần 89 %.  

“Đề án 2039 đã được chính quyền, các ban, ngành địa phương phát động và tổ chức trồng từng loại cây phân tán phù hợp với từng khu vực, mang tính thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để tất cả các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.  Qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng; ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần tạo cảnh quan môi trường, bóng mát, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn…”, theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Theo đó, hàng năm các địa phương cũng đã tiến hành tổng kết, đánh giá công tác trồng cây phân tán trên địa bàn, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình. Đáng kể một số địa phương đạt thành tích “trồng cây nào sống tốt cây đó” như 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Các địa phương này đều sử dụng các loại cây trồng đã được công nhận tiêu chuẩn chất lượng nằm trong danh mục hiện hành, phù hợp với điều kiện lập địa, đặc điểm khí hậu và mang bản sắc đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt tất cả số cây sau khi trồng đều áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, phân công trách nhiệm từng đơn vị kiểm tra, nghiệm thu…theo quy định.

Tiếp tục với phương châm “Trồng cây nào sống tốt cây đó”

Tuy nhiên cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, việc trồng cây phân tán còn bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn trong việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ do diện tích nhỏ, chủ yếu tập trung trong khuôn viên đơn vi, cơ quan và các tuyến đường giao thông liên thôn. Ngược lại các tuyến đường giao thông nội thị với các công trình ngầm, nổi nâng cấp, sửa chữa thường xuyên, ảnh hưởng số lượng cây trồng theo kế hoạch. Trong khi đó lại thường xuyên thay đổi các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, làm đấu mối trồng rừng, trồng cây phân tán, dẫn đến một số khu vực không được kiểm tra, hướng dẫn kịp thời việc trồng dặm số cây bị chết, trồng bổ sung cho đủ mật độ, nên còn đạt tỷ lệ thấp về số cây sinh trưởng đạt yêu cầu, tình trạng cây bị chết, nhổ bỏ còn nhiều…

Để đạt chỉ tiêu chương trình trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng với phương châm "Trồng cây nào, sống tốt cây đó”, các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia tích cực hơn, hiệu quả hơn. Khi bước vào mùa trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, cây che bóng, các đơn vị chuyên trách của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cần chuẩn bị đầy đủ số lượng và chất lượng cây giống trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở mỗi địa phương. Cây sau khi trồng tại các vị trì xây dựng trên bản đồ phải phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chăm sóc, trồng dặm, giám sát, quản lý bảo vệ, kiểm tra, nghiệm thu. Gắn kết quả thực hiện hoạt động trồng cây phân tán, cây che bóng với đánh giá phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến. ..

Bài học kinh nghiệm là cần tăng cường kiểm tra, rà soát, nâng cấp các vườn ươm cây giống trên địa bàn nhằm đảm bảo nhu cầu cho hoạt động trồng cây xanh theo kế hoạch; đồng thời sớm phân bổ đủ các nguồn kinh phí cho các đơn vị để chủ động các điều kiện cần thiết triển khai trồng cây kịp thời vụ theo kế hoạch đề ra từng năm và cả giai đoạn 2021-2025…/.

THANG /2021