Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Phát huy lợi thế trên từng vùng nông nghiệp

Bài 2/ Sản phẩm có dư địa lớn- cơ cấu phù hợp hơn

VĂN VIỆT

Theo hướng phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục nhận diện các vùng canh tác và thu hoạch sản phẩm có dư địa lớn để triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư tái cơ cấu cây trồng phù hợp hơn.

Mục tiêu trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng phấn đấu đạt mục tiệu tăng trưởng 4,5- 5%. Cơ cấu ngành trồng trọt chiếm từ 75- 78% nội bộ ngành. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đạt trung bình 220 triệu đồng/ha/năm. Giảm 40.000ha có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm. Phát triển 265 chuỗi liên kết với 26.700 hộ tham gia, tiêu thụ 50% giá trị nông sản theo hợp đồng. Thành lập mới 100 HTX nông nghiệp, nâng tổng số hơn 400HTX với 10.000 thành viên, trong đó 80% HTX trở lên được đánh giá hoạt động hiệu quả. Hơn 70% diện tích canh tác được chủ động nguồn nước tưới, tương ứng với 150.000ha, trong đó diện tích tưới tiết kiệm 65.000ha…

Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp Lâm Đồng với nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu, bố trí và phát triển các sản phẩm cây trồng chủ lực gồm mở rộng 28.000ha diện tích rau (gieo trồng 78.000- 79.000ha, sản lượng 3 triệu tấn); hoa 3.900ha (gieo trồng 10.800- 11.000ha, sản lượng gần 4 tỷ cành và 500 triệu chậu); cà phê 160.000ha (sản lượng 547.000 tấn); chè 12.000ha (sản lượng 157.000 tấn); cây ăn quả 32.900ha (sản lượng 159.000 tấn); lúa 14.000- 15.000ha (gieo trồng 26.600ha, sản lượng 156.000 tấn)…

Giải pháp trước hết đối với cây rau cần mở rộng 2.000- 2.500ha diện tích chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi, lúa 1 vụ… kém hiệu quả kinh tế, thuộc các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng. Trong đó tập trung chuyển đổi sản xuất mới các sản phẩm có giá trị kinh tế cao gồm ớt ngọt, khoai tây, hành tây, pó xôi, cà rốt, bí Nhật, xà lách cao cấp trồng trên giá thể...Địa bàn các huyện phía Nam cũng mở rộng diện tích trồng các loại rau phù hợp như măng tây, dưa leo, cải xanh, cải thìa...Không khuyến khích mở rộng diện tích trồng cà chua Rita, Anna, cải bắp Green Nova, Shotgun…

Tiếp theo với giải pháp phát triển 3.900ha hoa, ngành nông nghiệp Lâm Đồng ổn định sản xuất các loại hoa cắt cành truyền thống (cúc, hồng, lay ơn…) ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng. Bên cạnh đó chuyển đổi trồng mới các giống hoa lan, cẩm chướng, cát tường, thu hải đường, các loại hoa chậu trang trí khác…Tiếp tục nghiên cứu, lai tạo và công bố lưu hành mỗi năm từ 10- 15 giống hoa mới, chủ động cung ứng cho sản xuất trên địa bàn, nhằm từng bước hạn chế phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu.

“Các vùng sản xuất rau, hoa truyền thống ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng tập trung các biện pháp canh tác IoT cung cấp nước tưới, dinh dưỡng, giám sát côn trùng, không dùng hóa chất, không dùng đất…Các vùng sản xuất còn lại phát triển sản xuất nhà kính theo tiêu chuẩn quy định và đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị cơ giới….”, Sở Nông nghiệp &PTNT Lâm Đồng cho biết. Theo đó mục tiêu cụ thể hơn ở đây là: Đến năm 2025, tổng diện tích rau, hoa sản xuất theo tiêu chí công nghệ cao 29.700ha, chiếm hơn 90% diện tích canh tác. So sánh tăng khoảng 2.500ha so với năm 2020. Trong đó diện tích ứng dụng công nghệ thông minh hơn 600ha, tăng thêm 400ha so với 5 năm trước đó.

Đáng quan tâm cây cà phê cơ cấu đối ngược với cây rau, hoa. Đó là giảm khoảng 12.000- 12.500ha cà phê ở các vùng khó khăn vế nước tưới, độ dốc cao để chuyển sang trồng cây ăn quả, cây đa mục đích theo mô hình nông lâm kết hợp. Các vùng khác chuyển đổi 1.500- 2.000ha cà phê để trồng rau, hoa, cây dược liệu…Còn lại ổn định 160.000ha cà phê tại các địa bàn phù hợp, trong đó có khoảng 13.000ha cà phê arabica chất lượng cao. Ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích sử dụng các giống cà phê vối ghép như TR4, TR9, TR11, TS5, Thiện Trường, Hữu Thiên, đồng thời khôi phục và phát triển các giống cà phê chè đặc hữu Moka, Typica, Bourbon…

Tiếp theo cây chè được chuyển đổi 2.000ha chè hạt, chè cành già cỗi, năng suất thấp sang trồng chè cao sản (1.500ha) và trồng chè Đài Loan (500ha) trên địa bàn huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Đến năm 2025, tổng diện tích chè chất lượng cao tăng lên 87- 90%, năng suất bình quân 14- 15 tấn/ha/năm.  

Riêng cơ cấu cây ăn quả các loại gồm 600ha hồng, mận, chanh dây…phát triển trên các vùng nông nghiệp Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương; 6.400ha sầu riêng, mắc ca, bơ, măng cụt, mít… xen canh với cây công nghiệp và trồng chuối Laba chuên canh tại các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc; trồng thuần sầu riêng, chôm chôm, na Thái, măng cụt, bưởi…tại 3 huyện phía Nam.     

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Lâm Đồng còn tập trung các giải pháp đầu tư đồng bộ về giống, cơ giới hóa gắn với phát triển thương hiệu 2 vùng lúa đặc sản Đạ Tẻh, Cát Tiên và vùng lúa chuyên canh Đức Trọng, Di Linh, quy mô 14.000- 15.000ha. Đồng thời tận dụng diện tích bãi bổi ven sông suối, đất trồng cây điều kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cây dâu tằm lai từ 750- 800ha…Đến năm 2025, tổng diện tích dâu lai đạt 10.000ha, trong đó chiếm 90-95% giống dâu tằm lai…

Cũng theo Sở Nông nghiệp &PTNT Lâm Đồng, giải pháp cơ cấu lại cây trồng phù hợp giai đoạn 2021- 2025 nói trên nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, của từng địa phương. Qua đó rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các vùng sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó xác định những sản phẩm thực sự có dư địa lớn để khuyến khích phát triển, tập trung nguồn lực đầu tư một cách đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong và ngoài nước../.

THÁNG 7/2021