Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Triển vọng rau giống Hàn, quy trình Việt

VĂN VIỆT

Hơn 3 năm đưa các giống rau Hàn Quốc về trồng tại Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy trình VietGAP, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đã mở triển vọng mới cho người nông dân chuyển đổi cây trồng, gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất canh tác…

Hạ tuần tháng 11/2020, phóng viên cùng đoàn công tác của Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) tại Việt Nam và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khảo sát kết quả canh tác các giống rau Hàn Quốc tại Công ty TNHH Phong Thúy, Đức Trọng và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Đà Lạt. Đây là 2 đơn vị liên kết ổn định gần cả trăm đơn vị kinh tế, hộ gia đình sản xuất khoảng hơn 200ha theo quy trình VietGAP hơn 50 loại rau theo chuỗi giá trị, đạt tổng sản lượng cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối…trong cả nước mỗi năm hơn 16.000 tấn. Với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, từ năm 2018 đến năm 2020, 2 đơn vị “đầu tàu” ở Lâm Đồng sản xuất chuỗi liên kết ở đây đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) khảo nghiệm thành công và tiếp tục nhân rộng tổng cộng khoảng 10ha các giống rau mới nhập về từ Hàn Quốc theo phương pháp thủy canh và địa canh gồm xà lách, ớt, củ cải, cải bắp…đạt những chỉ tiêu khả quan.  


Quan sát cận cảnh luống xà lách Ha Cheong của Hàn Quốc sản xuất thủy canh tại Công ty TNHH Phong Thúy, Đức Trọng đang sinh trưởng 25 ngày tuổi, phóng viên ghi nhận màu xanh mướt mát, kích thước độ cao, tán lá đều đặn, chạy dài tăm tắp trên những đừng máng thủy canh nhà kính. Còn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Đà Lạt với nhiều diện tích trồng xà lách Ha Cheong, Hàn Quốc theo hình thức “gối đầu”, thu hoạch liên tục hàng tuần. Giám đốc HTX này, ông Mai Văn Khẩn chia sẻ: “Hàng tuần HTX chúng tôi đều xuống giống trồng trong nhà kính giống xà lách Ha Cheong của Hàn Quốc. Trồng trực tiếp xuống đất thông qua lớp màng phủ nông nghiệp để ngăn chặn các loại côn trùng gây hại. 3 năm qua, sản phẩm rau xà lách Ha Cheong của HTX chúng tôi được thị trường trong nước tiêu thụ khá nhanh chóng, lợi nhuận tăng thêm khoảng 17% so với các giống xà lách trồng trước đó… ” Theo đó, giống xà lách Ha Cheong với thời gian chăm sóc theo quy trình VietGAP địa canh và thủy canh từ 32- 35 ngày bước vào thu hoạch đạt năng suất khoảng 30- 40 tấn/ha.


Thạc sĩ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa cho biết, bên cạnh các mô hình trồng xà lách Ha Cheong, trong 3 năm qua, Trung tâm đã triển khai sản xuất luân canh các giống rau khác của Hàn Quốc ở các vùng nông nghiệp Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, đạt những hiệu quả đáng kể về năng suất, chất lượng và doanh thu. Cụ thể tính riêng trong năm 2020, mô hình sản xuất giống ớt High Fly và  PR Hong Cheonha với khoảng 130 ngày chăm sóc, đạt năng suất từ 19 tấn đến gần 26 tấn/ha, cao hơn từ 2- 9 tấn/ha so với giống ớt đối chứng, tương ứng thu nhập gia tăng 15- 17%. Tiếp theo giống cải bắp CT17 với thời vụ từ 80-85 ngày, trọng lượng trung bình từ 2,8-3 kg/cây, năng suất đạt 120-135 tấn/ha. Khi chế biến giống cải bắp CT17 mềm và cho hương vị ngọt thơm. Và mô hình củ cải Song JeongSang Seang Greang với thời gian sinh trưởng khoảng 75-80 ngày, thu hoạch củ đạt chiều dài 19- 23cm, đường kính 11- 13cm, trọng lượng lên đến hơn 1,5 kg/củ. Năng suất 130 - 152 tấn/ha, trong khi đó giống củ cải đối chứng cho năng suất hơn 50tấn/ha. Lãi thuần của giống Song Jeong đạt 111 triệu đồng/ha và giống Sang Seang Greang gần 145 triệu đồng/ha,  cao hơn giống đối chứng 13 -42%...


Đánh giá 3 năm sản xuất các giống rau Hàn Quốc theo quy trình VietGAP tại Đà Lạt và các vùng phụ cận, Tiến sĩ Huyn Jong nae, Giám đốc Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) tại Việt Nam cho rằng: “Đà Lạt và các vùng phụ cận có thổ nhưỡng, khí hậu và quy trình sản xuất rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng các giống rau công nghệ cao nhập từ Hàn Quốc. Trong thời gian tới, tại những địa bàn này, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp các nguồn giống rau, củ, quả đã trồng thành công để doanh nghiệp, nông dân tổ chức sản xuất với quy mô cánh đồng lớn hơn. Đồng thời sẽ tổ chức trồng khảo nghiệm các giống rau mới, trong đó có giống dâu tây mới của Hàn Quốc trong năm 2021, hy vọng góp phần giúp doanh nghiệp, nông dân ổn định mô hình liên kết, thay thế giống cây trồng canh tác đạt lợi nhuận ngày càng nhiều hơn…”  

thang 11/2020