VĂN VIỆT
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa cấp báo tình trạng hư hỏng một số công trình thủy lợi và sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời.
5 hồ thủy lợi đều thấm nước
Qua kiểm tra
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tại khu vực hồ Tuyền Lâm,
Đà Lạt xuất hiện các vệt thấm bất thường theo chiều dài thân đập- từ mái hạ lưu
xuống chân đập (cao trình cơ là 1.373m). Nước thấm ẩm ướt mái hạ lưu lớn hơn mức
cho phép. Hiện đang trong thời gian xả lũ (mực nước qua tràn 5cm), tình trạng đập
hồ Tuyền Lâm đang gây nguy hiểm cho công trình và cho khu vực hạ du.
“Nguyên nhân
sơ bộ được xác định là do xe chở vật liệu có tải trọng lớn và xe khách du lịch
thường xuyên lưu thông làm bị rạn nứt mặt đập hồ Tuyền Lâm, đặc biệt tại vị trí
góc cua tiếp giáp với thân tràn chính.
Trong khi đó khu vực cầu tràn đang xuống cấp hư hỏng, có thể gây nguy cơ
ảnh hưởng tới an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân…”, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Với báo cáo của
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Cát Tiên thì hiện
tượng thấm tại đập chính của hồ chứa nước Tư Nghĩa xuất hiện từ đầu tháng 8/2018
đến nay, trong đó vị trí cách tràn xả lũ khoảng 15m xuất hiện lỗ thấm nằm ở cao
trình 143,16m đo được lưu lượng khoảng 0,3lít/s…Đây là hồ chứa nước đưa vào sử
dụng từ năm 2017, nhiệm vụ tưới tiêu cho 221ha đất canh tác trong vùng.
Tương tự ở
huyện Đơn Dương xuất hiện tình trạng thấm nước ở 2 hồ thủy lợi P’ró và Ma Đanh
từ tháng 7 và tháng 8/2020 đến nay. Cụ thể vết lún, nứt ở hồ P’ró có chiều sâu
1,5cm, chiều rộng 1cm, kéo dài từ tràn xả lũ đến vị trí cống lấy nước. Hồ Ma
Đanh từ năm 2014 bị thấm mạnh, nước chảy thành dòng tại vai phải đập. Biện pháp
khắc phục lúc đó đã khoan phụt chống thấm. Tuy nhiên đến ngày 28/10/2020, “đơn
vị quản lý phát hiện tại vị trí rãnh thoát nước phía trên đường bão hòa và dọc
thân tràn bị thấm mạnh, nước chảy thành dòng lớn…”
Ở huyện Di
Linh có hồ chứa nước Đinh Trang Thượng II do Tổng Công ty Phát điện 1 làm chủ đầu
tư xây dựng hoàn thành, bàn giao cho Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công
trình thủy lợi Lâm Đồng quản lý từ tháng 8/2020. Vụ Đông Xuân năm 2020- 2021, hồ
tích nước để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vào cuối
tháng 10 vừa qua, khu vực mái hạ lưu xuất hiện vết thấm, nước chảy thành dòng.
Khi phát hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung
tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi Lâm Đồng phối hợp với chính
quyền địa phương khẩn cấp di dời 6 hộ dân ở khu vực hạ lưu, đồng thời ngay lập
tức hạ thấp mực nước hồ.
“Đến thời điểm hiện tại mực nước hồ Đinh Trang Thượng II đã xuống thấp, hiện tượng thấm tuy đã giảm nhiều, nhưng giải pháp này chỉ là tạm thời và công trình bị mất an toàn cao nếu trên lưu vực thường xuyên có mưa lớn trong thời gian tới…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cảnh báo.
Sạt lở 200- 500m chiều dài bờ sông, suối
Cũng qua kiểm
tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trên địa bàn huyện Lâm
Hà vừa xảy ra sạt lở khu vực bờ sông Đạ Dâng thuộc các xã Tân Văn, Đạ Đờn và
Phú Sơn với chiều dài từ 300- 500m, chiều cao từ 6- 10m. Riêng bờ suối tại thôn
Cổng Trời, xã Mê Linh sạt lở với chiều dài khoảng 200m, chiều cao từ 8- 10m. Các
khu vực sông, suối sạt lở ở đây đã hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích đất
canh tác và cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông trong vùng.
Ở 2 huyện Đạ
Huoai, huyện Cát Tiên cũng đang cấp báo tại bờ suối công trình đầu mối trạm bơm
Đạ Goail và đập thôn 4, xã Tiên Hoàng với hiện trạng sạt lở lần lượt chiều dài
300m và 200m, chiều cao 8- 10m và 4-5m.
Trước tình trạng
khẩn cấp nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất nguồn
ngân sách Trung ương bố trí khoảng 235 tỷ đồng để sửa chữa, xử lý chống thấm hồ
đập, xây hệ thống kè bảo vệ, chống sạt lở bờ sông, bờ suối.
Hiện tại, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chỉ đạo Trung tâm Quản lý đầu tư
và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng khẩn trương xây dựng phương án ứng phó với tình
huống khẩn cấp công trình. Riêng hồ chứa Đinh Trang Thượng 2, Di Linh không tiếp
tục tích nước để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Đồng thời Sở này cũng đề nghị “ UBND các huyện Cát Tiên, Đạ Huoai, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt vận động người dân chuyển đổi cây trồng trong trường hợp các hồ chứa phải ngưng hoặc hạn chế tích nước. Chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong phòng chống thiên tai đối với các công trình thủy lợi hiện đang hư hỏng trên địa bàn…”./
THÁNG 11/2020