Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Cà phê chất lượng cao- gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ

VĂN VIỆT


Để phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, các sở, ngành chức năng của Lâm Đồng tiếp tục triển khai các giải pháp gắn kết đồng bộ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ…

Hình thành 5 vùng sản xuất cà phê chất lượng cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay ước đạt 174.142 ha (chiếm 60% diện tích canh tác toàn tỉnh), trong đó diện tích cà phê kinh doanh 162.040 ha, năng suất bình quân gần 3,2tấn/ha.

Giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tái canh trồng mới và ghép cải tạo hơn 73.180ha cà phê, tổng kinh phí hơn 10.281 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách hỗ trợ (gần 17,7 tỷ đồng), vốn vay tín dụng (gần 955,5 tỷ đồng) và vốn người dân đầu tư (hơn 9.308tỷ đồng).

Toàn tỉnh Lâm Đồng đang triển khai xây dựng 5 vùng sản xuất cà phê công nghệ cao với quy mô gần 1.744ha. Trong đó nhiều nhất ở địa bàn huyện Di Linh với gần 472ha ở xã Hòa Bắc và 372ha ở xã Đinh Lạc. Còn lại 900ha phân bổ đều các xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm); xã Nam Hà, thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà); thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương).


Đặc biệt diện tích cà phê Lâm Đồng sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận tương ứng với tổng sản lượng 75.493ha/304.311 tấn. Cụ thể tiêu chuẩn C.A.F.E Practices 700ha/1.700 tấn; Rainforest Aliance 21.563ha/86.894 tấn; 4C với 53.230 ha/215.717 tấn. Riêng diện tích cà phê chè đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận đạt 5.424 ha/12.353 tấn với 3.600 hộ tham gia tại các vùng sản xuất trọng điểm như Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông..

“Hiện tại giống cà phê chè ở Lâm Đồng phần lớn gồm Catimor chiếm khoảng 97% (7.983 ha), còn lại chiếm 3% (247 ha) là các giống như Typica, Bourbon, Catuara, TN1…. Kế hoạch trong 5 năm tới sẽ chuyển đổi tăng diện tích giống cà phê chè chất lượng cao lên khoảng 10% (830 ha), chủ yếu sử dụng giống Typica, Bourbon lấy từ 14 cây đầu dòng (10 cây giống Typica và 4 cây giống Bourbon) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận và giống THA1 từ đề tài nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên từ các năm 2018, 2019…”, báo cáo ngành chức năng cho biết.

Mới hơn 22,5% sản lượng cà phê chế biến rang xay

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 33 doanh nghiệp và hơn 250 hộ thu mua và chế biến cà phê nhân với công suất mỗi năm khoảng 300.000 - 320.000 tấn, chiếm gần 80% tổng sản lượng. Trong đó có 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến ướt mỗi năm khoảng 40.000-50.000 tấn cà phê nhân.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng hiện có 117 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê rang xay, cà phê bột đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với công suất hơn 5.676 tấn thành phẩm mỗi năm. Ngoài ra một số doanh nghiệp khác ở Lâm Đồng đã và đang đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như Công ty TNHH cà phê Thái Châu (Đà Lạt), công ty TNHH Tám Trình (Lâm Hà)…


Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển 20 chuỗi liên kết với 9.214hộ tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên tổng diện tích 17.643 ha, hàng năm thu hoạch ổn định gần 60.000 tấn nhân, chiếm gần 11% tổng sản lượng cà phê trên địa bàn.

Tuy nhiên- theo đánh giá chung- mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê phát triển chưa nhiều so với thực tiễn sản xuất, dẫn đến sản lượng cà phê tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp. Trong khi đó việc bảo quản sau thu hoạch chưa được các hộ dân chú trọng đầu tư; nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, giao thông nội đồng..chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng và mở rộng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao ở Lâm Đồng.

Giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm cà phê chất lượng cao trong thời gian tới, Lâm Đồng xác định trước hết ở khâu sản xuất cần hỗ trợ các cơ sở ươm giống cà phê tiếp tục bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, từ đó công bố tiêu chuẩn chất lượng đưa vào nhân rộng sản xuất đối với các giống cà phê vối đạt năng suất cao như: Thiện Trường, TR4, TR9, TR11, TS1, Hữu Thiên…Đồng thời phát triển các giống cà phê chè nổi tiếng trên thế giới gồm: TN1, TN2, Typica, Bourbon, Catuara…


Tiếp theo ở khâu chế biến cần có cơ chế khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan…đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Và cuối cùng là khâu tiêu thụ phải tổ chức lại “sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị cà phê đặc sản, lấy trọng tâm là sản phẩm đạt chất lượng, an toàn, bền vững gắn với các thương hiệu đã được chứng nhận…”./.  

tháng 11/2020