Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững- phối hợp nhiều giải pháp

 VĂN VIỆT

Bắt đầu từ giữa tháng 11/2020, toàn tỉnh Lâm Đồng chính thức triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng giai đoạn năm 2020- 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn.   

Phát hiện sớm vi phạm để ngăn chặn, xử lý

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, thực hiện Đề án vừa nêu, trong thời gian còn lại của quý 4/2020, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ cấp huyện đến cấp tỉnh tiếp tục được kiện toàn, bổ sung nhiệm vụ tăng cường lực lượng tuần tra rừng, bám sát địa bàn, phát hiện sớm vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Cụ thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, UBND cấp huyện trực tiếp kiểm tra rừng ít nhất 2 lần/tháng. Lực lượng kiểm lâm tỉnh, huyện phối hợp với chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên với tần suất tối thiểu 15 lần/tháng- chưa kể khi tiếp nhận thông tin về các vụ việc phức tạp phát sinh phải tập trung truy quét đột xuất. UBND cấp huyện chỉ đạo lực lượng công an, Ban Lâm nghiệp xã tăng cường bám dân, bám rừng, kịp thời ngăn ngừa các đối tượng vi phạm. Riêng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị chủ rừng cần kết hợp với hộ gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn tổ chức tuần tra hàng ngày theo tổ nhóm từ 3- 5 người trở lên…

Đáng kể từ nay đến trước ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ các sở, ngành tập trung rà soát, xử lý các vụ việc nổi cộm trên địa bàn. Theo đó, lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng niêm yết công khai kết quả xử lý những vụ vi phạm tại đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã, các Hạt Kiểm lâm. Sở Tài chính Lâm Đồng ra soát, tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý đối với nhóm dự án đã bị thu hồi toàn bộ, nhưng còn nợ tiền. Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng hướng dẫn các cơ quan liên quan xử lý hành vi lấn chiếm, sang nhượng, sang gạt đất lâm nghiệp, sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Ngành công an rà soát các điểm nóng vi phạm để phối hợp triệt phá, công khai kết quả xử lý các vụ vi phạm…

Đến quý 1/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa cơ quan chức năng, lực lượng chuyên trách, chính quyền các cấp của tỉnh Lâm Đồng với từng tỉnh bạn giáp ranh. Đồng thời triển khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp…

Giải tỏa 334ha đất lâm nghiệp lấn chiếm, trồng mới 3.220ha rừng tập trung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ đạo thực hiện Đề án trong quý 1 và quý 2/2021 phải hoàn thành giải tỏa 334ha diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm giai đoạn 2016-2019 và lập hồ sơ trồng lại rừng, giao chủ rừng quản lý bảo vệ. Trước mắt áp dụng hình thức tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất lâm nghiệp lấn chiếm cho đơn vị chủ rừng để được ưu tiên ký hợp đồng trồng, chăm sóc quản lý, bảo vệ rừng. Nếu quá thời hạn nhưng các hộ không tự nguyện giải tỏa cây trồng, công trình trên đất lâm nghiệp lấn chiếm, cơ quan chức năng phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.


Riêng diện tích 52.041ha đất lâm nghiệp sản xuất nông nghiệp ổn định từ năm 2014 trở về trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng được giao phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, phân loại đơn vị chủ rừng nhà nước quản lý, diện tích đã trồng xen thông qua các đề án, số hộ đang canh tác…để làm cơ sở xây dựng kế hoạch trồng cây lâm nghiệp từng năm và cho cả giai đoạn năm 2021- 2025 và 2026-2030, trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt trong quý 4/2020.

Riêng nhiệm vụ trong quý 1 và quý 2/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng điều chỉnh hoàn thành quy trình trồng rừng cùng danh mục các loài cây trồng rừng chủ lực, cây bản địa phù hợp với tình hình thực tế địa phương và quy định mới của Luật Lâm nghiệp. Trong đó khuyến khích phát triển các giống cây lâm nghiệp mới vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng.


 “Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng trồng được 3.220ha rừng tập trung theo các hình thức: trồng rừng mới trên đất trống; trồng lại rừng sau giải tỏa; trồng rừng thay thế diện tích chuyển đổi mục đích và trồng lại rừng sau khai thác trắng …”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh mục tiêu của Đề án.

THÁNG 11/2020