VĂN VIỆT
Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Dâu tằm tơ Bảo Lộc, Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) đã và đang nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao cho nông dân sản xuất, chăn nuôi hơn 20 giống cây dâu cao sản và con tằm chất lượng trên địa bàn.
Cuối tháng 10/2020 vừa qua, phóng
viên theo đoàn công tác khảo sát, nghiên cứu phát triển dâu tằm tơ bền vững các
tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ tham quan mô hình hộ gia đình nuôi tằm đạt
năng suất và chất lượng kén cao tại số 96, Phó Đức Chính, xã Đạm B’ri, Bảo Lộc.
Chủ mô hình Lê Thị Thơ cho biết, mỗi tháng hộ gia đình chị nuôi và xuất bán cho
người sản xuất 300-400 hộ tằm con từ thức ăn lá dâu giống mới S7-CB và TBL-05
do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng chọn tạo, thử
nghiệm thành công nhiều năm qua trên các vùng trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn.
Năng suất nuôi mỗi hộp tằm thu hoạch trên dưới 45kg kén. Cụ thể giống dâu S7-
CB còn gọi là giống dâu tam bội được Trung tâm này thuần hóa và chọn tạo có
kích thước lá dày, có khả năng kháng bệnh rỉ sắt khá hiệu quả, đạt năng suất
bình quân 30 tấn/ha/năm. Năm 1994, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công
nhận nguồn giống dâu S7-CB đưa vào sản xuất. Tương tự giống dâu TBL-05 là “con
lai” của 2 giống VA-186 và TQ-4, đạt năng suất tại các vùng sinh thái Lâm Đồng
khoảng 23 tấn/ha/năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận vào năm
2012.
Được biết trên các vùng trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng, nông dân đã và đang chuyển đổi diện tích các giống cây dâu “con lai” khác cũng được chọn tạo tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng. Theo đó giống dâu VA 201 là “con lai” giữa giống dâu Bầu đen của Lâm Đồng và giống dâu VA-186, đặc điểm sinh trưởng phân cành mạnh mẽ, đạt năng suất lên đến 30 tấn/ha. Hoặc giống dâu TBL-03 lai tạo giữa 2 giống dâu địa phương Lâm Đồng và dâu TQ-4, có khả năng đề kháng bệnh rầy gỗ Psylia sp, đạt năng suất 25 tấn/ha/năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đưa vào sản xuất giống dâu VA 201 và TBL-03 lần lượt vào năm 2009 và năm 2012.
“ Các giống dâu được Trung tâm
Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng chọn tạo đã góp phần quan trọng
trong việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại Tây Nguyên nói chung, Lâm
Đồng nói riêng. Trong đó 2 giống dâu S7-CB và VA-201 đã và đang thay thế hầu
hết các giống dâu địa phương năng suất thấp và các giống dâu nhập nội từ Trung
Quốc như Sa nhị luân, Quế ưu. Bà con nông dân Lâm Đồng quen gọi S7-CB và VA-201
là 2 giống dâu siêu lá và siêu cành…”, theo nhận định của các cơ quan nghiên
cứu phát triển ngành tằm tơ bền vững ở Lâm Đồng.
Bên cạnh các giống dâu chọn tạo
thành công nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã
lai tạo và đưa vào sản xuất thành công 5 giống tằm mới từ năm 1993 đến nay gồm:
TN10, TQ112, TN1278, LTQ và LĐ-09, tất cả đều có đặc tính dễ nuôi, có sức sống
cao, đạt năng suất ổn định từ 40- 45kg kén/hộp, độ lên tơ khá tốt. Trong đó
giống tằm lai tứ nguyên mới LĐ-09 được chọn tạo từ 4 giống tằm lưỡng hệ nhập
khẩu từ Trung Quốc là BL1, BL2, BL6 và A1. Đáng kể qua sản xuất khảo nghiệm cho
thấy, giống tằm lai tứ nguyên lưỡng hệ mới LĐ-09 có khả năng thích ứng khá tốt
với các điều kiện nuôi sản xuất trên các
vùng dâu tằm Lâm Đồng. Đối chứng giống tằm LQ2 của Trung Quốc với cả 2 vụ nuôi
mùa mưa và mùa khô ở Lâm Đồng, giống tằm lai tứ nguyên lưỡng hệ mới LĐ-09 đều
đạt ngang bằng các tỷ lệ nhộng sống, năng suất và chất lượng kén, chất lượng tơ
đạt cấp 4A quốc tế. Từ kết quả này, Trung tâm tiếp tục được giao thực hiện đề
tài cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn năm 2019- 2023 “Nghiên
cứu chọn tạo giống tằm năng suất, chất lượng cao phục vụ cho vùng Tây Nguyên”.
“Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã sản xuất và cung ứng khoảng 20.000 hộp trứng giống tằm LĐ-09 cho người nuôi tằm trên địa bàn, mở ra triển vọng rất lớn về việc khuyến khích các đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia chủ động tổ chức sản xuất, cung ứng trứng giống tằm của Việt Nam cạnh tranh tích cực và hiệu quả với trứng giống tằm ngoại nhập… ”, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng nhận định. /.
tháng 11/2020