Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Hữu cơ quy mô nhỏ- thêm một góc nhìn

VĂN VIỆT
Phần lớn những nhà nông thế hệ 8X, 9X ở Đà Lạt và các huyện phụ cận đã chủ động xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ quy mô vừa và nhỏ, từng bước đánh giá, phát triển thành quy mô sản xuất mở rộng gắn với chế biến và tiêu thụ trên nhiều phân khúc thị trường.

Vào giữa tháng 6/2020, phóng viên được mời dự phiên chợ hữu cơ tại Green Box Coffee, số 42, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt. Phiên chợ diễn ra trong mặt bằng chỉ vài chục mét vuông của quán cà phê này, nhưng bố trí khá hài hòa với 15 quày sạp bày bán tương đối đa dạng mặt hàng nông sản được giới thiệu sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn các huyện Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt. Cụ thể gồm rau, củ, quả, atiso, trái cây các loại, cà phê rang xay... Bên cạnh đó còn có những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tinh dầu chiết xuất, mứt trái cây…Anh Bùi Anh Tuấn (sinh năm 1986), một trong những thành viên tổ chức hội chợ cho biết, đây là hội chợ tổ chức lần thứ 13 kể từ tháng 2/2019 đến nay. Mỗi hội chợ diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ buổi sáng, thu hút hàng trăm khách hàng địa phương và khách du lịch trong nước, ngoài nước tham quan, chọn mua các mặt hàng nông sản thực phẩm phù hợp nhu cầu của mình, qua đó được tiếp nhận các thông tin về quy trình sản xuất, chế biến nông sản không hóa chất của nông dân bán hàng, kết nối giao thương.
Vừa là thành viên tổ chức vừa là nông dân bán hàng tại hội chợ nông sản hữu cơ, anh Bùi Anh Tuấn giới thiệu các sản phẩm cà phê sản xuất và chế biến đạt chất lượng về an toàn thực phẩm. Theo đó với 2,7ha cà phê robusta và Arabica hơn 15 năm tuổi ở vùng Loan, Đức Trọng chăm sóc không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, tính riêng trong  2 niên vụ vừa qua, Tuấn đạt tổng sản lượng khoảng từ 4- 5 tấn nhân. Nếu bán nguyên liệu hạt nhân theo giá thị trường thì doanh thu khoảng từ 120- 150 triệu đồng. Nhưng Tuấn đã giữ lại toàn bộ sản lượng hạt nhân để chế biến tại chỗ theo dây chuyền rang xay tự động, đạt tỷ lệ 5 tấn cà phê nhân thành 4 tấn cà phê bột thành phẩm. Thương hiệu nông sản hữu cơ của Tuấn là “Rin Coffee- nông dân trồng- nông dân rang xay” đến hội chợ thứ 13 tiếp tục được tiếp xúc khá đông khách hàng trong và ngoài nước tham quan, mua về sử dụng, lưu lại địa chỉ liên lạc sau này. Tuấn chia sẻ: “Hạch toán cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với chế biến tại chỗ theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đã nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lên gấp 3 lần so với bán nguyên liệu thô… ” Theo đó cứ sau khi kết thúc mỗi hội chợ, Tuấn lại bổ sung thêm nhiều bạn hàng tiêu thụ trong và ngoài nước. Nhờ vậy, sản phẩn “Rin Coffee” của Tuấn thường xuyên phân phối hoàn thành trước khi thu hoạch niên vụ cà phê mới, nên gần như không có tình trạng “tồn kho”…
Đáng kể tham gia hội chợ còn có nông dân Phan Minh Tuấn ( sinh năm 1983) hiện đang giữ chức Giám đốc HTX Công nghệ nông nghiệp Xanh, trụ sở thôn Đà Giang, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng. Tuấn thông tin HTX của mình thành lập hơn một năm, đến nay có tất cả 8 thành viên cùng đồng thuận sản xuất rau theo hướng hữu cơ khoảng 12ha. Trong đó chỉ giới hạn 0,7ha nhà kính. Còn lại đều sản xuất ngoài trời. “Thị trường hơn 60 loại rau, củ, quả của HTX Công nghệ nông nghiệp Xanh cơ bản đã ổn định qua các kênh bán sỉ, lẻ theo hình thức online và sỉ, lẻ trực tiếp đến  khách hàng khu vực thành phố Hồ Chí Minh,Vũng Tàu... Đến hội chợ hôm nay, một lần nữa, HTX khẳng định với người tiêu dùng là rau hữu cơ rất dễ mua, không quá đắt đỏ, phần lớn giá bán chỉ cao hơn 10- 15% so với sản phẩm rau cùng loại sản xuất theo biện pháp thông thường…”
Cũng theo thành viên tổ chức hội chợ Bùi Anh Tuấn, đến nay tổng số thành viên tập trung công việc tổ chức hội chợ gồm 1 người Việt, 1 người Đức và 2 người Mỹ đều hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái cho cộng đồng trên địa bàn Lâm Đồng. Kết quả hội chợ thứ 13, các thành viên sẽ cùng nhau đánh giá, phân tích để phát huy những hiệu quả tích cực nhằm nâng “tần suất” tổ chức 2 lần/tháng trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của phóng viên, hội chợ nông sản hữu cơ quy mô nhỏ đã tạo ra những hiệu quả đáng quan tâm, thu hút số đông người tiếp nhận thông điệp sản xuất thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe tuyệt đối an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời góp phần khai thác thị trường rau hữu cơ tiềm năng rất lớn,  mang lại lợi nhuận ổn định và phát triển cho nông dân Lâm Đồng.
Nhìn ra toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 6 doanh nghiệp sản xuất rau hữu cơ với tổng diện tích hơn 32ha, tổng sản lượng gần 320 tấn/năm. Trong đó có 5 doanh nghiệp sản xuất gắn với sơ chế, chế biến tại chỗ theo quy trình HACCP. Quy mô sản xuất ít nhất từ 1,7ha của Công ty TNHH Jan’s, Lạc Dương, cao nhất lên đến 14ha của Công ty TNHH Univer Farm Organics, Đơn Dương.
Như vậy cả quy mô hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn phân tán, đơn lẻ trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, nên chăng ngành chức năng cần sớm xác định những vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tương ứng với từng quy mô trên địa bàn, từ đó thống nhất các quy trình sản xuất phù hợp, khuyến khích đầu tư phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm “đầu vào”, “đào ra” thông suốt lâu dài./
THÁNG 6/2020