Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Giải pháp tăng trưởng 10%/năm ở Đà Lạt

VĂN VIỆT
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 10%/năm trong 5 năm tới, thành phố Đà Lạt xác định các giải pháp đột phá về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng quản lý theo quy hoạch…

Thống kê đến nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn thành phố Đà Lạt khoảng 10.690ha, bao gồm 5.425ha cây lâu năm và 5.265ha cây hàng năm. Trong đó đã hình thành các vùng chuyên canh như: 1.900ha rau ở các phường 7, 8, 9, 10, 11, 12, xã Xuân Thọ; 3.948ha cà phê tập trung địa bàn các xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành; 480ha chè ở xã Trạm Hành và xã Xuân Trường. Bên cạnh đó,  các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã mở rộng quy mô sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP lên đến 980ha. Riêng vùng sản xuất hoa Vạn Thành, phường 5 và Thái Phiên, phường 12 được công nhận đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao. Vùng sản xuất hoa Xuân Thành, Đa Thiện đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Đáng kể, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt đang phát triển 6.730ha, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 400 triệu đồng/ha/năm, tăng lần lượt tỷ lệ so với năm 2016 là 35,7% và 48,2%. Đặc biệt có nhiều mô hình trồng hoa lan, lily…đạt giá trị sản xuất từ 2,5- 3 tỷ đồng/ha/năm. Đã có 327 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trên địa bàn Đà Lạt và các huyện phụ cận.
“ Giai đoạn năm 2016- 2020, thành phố Đà Lạt thực hiện hiệu quả chương trình nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển làng hoa. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, chất lượng và giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao. Thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trợ giá tái canh cà phê, đầu tư hạ tầng, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến các sản phẩm đặc thù như cà phê, atiso, hồng treo theo công nghệ Nhật Bản…Nhờ vậy thành phố Đà Lạt đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích xuất sắc phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt nhấn mạnh.
Các lĩnh vực khác của thành phố Đà Lạt cũng đạt những thành tựu nổi bật trong giai đoạn năm 2016- 2020 với các tỷ lệ tăng trưởng bình quân như: 8,2% ngành công nghiệp- xây dựng; gần 4% ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; 11,45% thương mại và dịch vụ du lịch…
Phát huy những thành tựu đạt được, trong giai đoạn 5 năm tới, thành phố Đà Lạt với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế gồm 71,1% dịch vụ- thương mại; 15,2% công nghiệp- xây dựng; 13,7% nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm. Tổng lượng khách du lịch tăng 7%/năm. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17- 18%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 618 triệu USD….
Để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra, thành phố Đà Lạt xác định giải pháp tiếp tục cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tiếp cận đa ngành, giá trị cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Theo đó khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư khoa học công nghệ nhân giống, sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thi trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sử dụng thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gắn với liên kết, tiêu thụ nông sản; phối hợp triển khai xây dựng Trung tâm Giao dịch hoa, triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dần từ lao động nông nghiệp thuần túy sang lao động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đại, được đào tạo nghề, kỹ thuật chuyên sâu.
 Trên lĩnh vực công nghiệp- xây dựng, thành phố Đà Lạt khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã đầu tư chế biến nông – lâm sản, đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng điểm công nghiệp Phát Chi- Trạm Hành. Khôi phục và phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như: tranh thêu tay nghệ thuật, cưa lọng, sản xuất rượu cần, dệt thổ cẩm, sản xuất hoa đất, hoa sấy khô… Đẩy mạnh phát triển dịch vụ có lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng về du lịch, nông nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ, viễn thông, tài chính…Nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, khách du lịch và bạn bè quốc tế…
Cũng theo UBND thành phố Đà Lạt, giải pháp chiến lược trong 5 năm tới, thành phố “tăng cường hợp tác các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế, các thành phố kết nghĩa của các quốc gia châu Á để nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khai thác hiệu quả, tiềm năng thế mạnh, từng bước đưa Đà Lạt trở thành trung tâm hội thảo, hội nghị quốc tế…”/.
tháng 6/2020